Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Lạ lùng" nơi tổ chức bầu chọn Vịnh Hạ Long !

(17:49:25 PM 20/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- New7Wonders Foundation có trụ sở tại Bảo tàng Heidi-Weber (Zurich, Thụy Sĩ). Nhưng báo The Jakarta Post (Indonesia) dẫn lời Sapta Nirwandar, Giám đốc tiếp thị của Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết “Chúng tôi đã gửi 1 bức thư tới địa chỉ tổ chức này ở Zurich nhưng thư bị gửi trả lại vì địa chỉ không rõ ràng”.

New7Wonders Foundation là tổ chức phi lợi nhuận, với chức năng chính là tổ chức chiến dịch bầu chọn trên toàn thế giới. Trong khi đó, NewOpenWorld Corporation là công ty được ủy quyền để thực hiện các hoạt động thương mại có liên quan.

Sau hai cuộc bình chọn 7 Kỳ quan thế giới mới (công bố kết quả năm 2007) và 7 Kỳ quan thiên nhiên mới (vừa công bố kết quả sơ bộ ngày 11/11 vừa qua), New7Wonders Foundation sẽ tiếp tục những dự án vận động bầu chọn tương tự. Dự án mới nhất là 7 Thành phố kỳ quan, sẽ công bố các địa danh tham gia vào tháng 1/2012.

Theo website nói trên, New7Wonders Foundation có trụ sở tại Bảo tàng Heidi-Weber (Zurich, Thụy Sĩ). Nhưng báo The Jakarta Post (Indonesia) dẫn lời Sapta Nirwandar, Giám đốc tiếp thị của Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết “Chúng tôi đã gửi 1 bức thư tới địa chỉ tổ chức này ở Zurich nhưng thư bị gửi trả lại vì địa chỉ không rõ ràng”.

Quan chức này cũng cho rằng, thật lạ lùng nếu một tổ chức quốc tế, tham gia vào những giao dịch lên đến hàng triệu USD mà lại không có một văn phòng thật sự.

Cũng trên website của mình, New7Wonders Foundation khẳng định họ không phải là đối tác của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO. Họ cũng không tìm kiếm hay yêu cầu sự ủng hộ, tán thành của UNESCO.

Còn trên website của UNESCO, tổ chức này tuyên bố họ không có liên quan đến chương trình vận động bầu chọn “7 kỳ quan thế giới mới” và “Mặc dù UNESCO đã vài lần được mời hỗ trợ dự án này, nhưng chúng tôi quyết định không hợp tác với ông Weber” (Bernard Weber, người sáng lập New7Wonders Foundation).

UNESCO cũng khẳng định, việc công nhận giá trị tinh thần và biểu tượng của các địa danh và đưa chúng vào một danh sách mới là không đủ. Theo UNESCO, phải đề ra các tiêu chí khoa học, đánh giá chất lượng các ứng viên, thiết lập các khuôn khổ pháp lý và quản lý.

Ông Bernard Weber, Chủ tịch New7wonders of Nature (áo trắng) trong chuyến thăm Việt Nam
Ông Bernard Weber, Chủ tịch New7wonders of Nature (áo trắng) trong chuyến thăm Việt Nam


Những sự cố trong cuộc bầu chọn 7 Kỳ quan thiên nhiên mới

Tháng 5/2011, Bộ trưởng Du lịch Maldives, ông Thoyyib Mohamed tuyên bố nước này rút khỏi cuộc bầu chọn. Theo tờ The Minivans News của Maldives, lý do được đưa ra là “New7Wonders bất ngờ yêu cầu đóng những khoản tiền lớn”. Để đáp lại, phát ngôn viên của New7Wonders cho biết Maldives vẫn có tên trong danh sách các địa điểm được bầu chọn, và tổ chức này sẽ tìm kiếm một ủy ban hỗ trợ chính thức khác thay cho Bộ Du lịch Maldives.

Theo thông tin từ The Minivans News được báo Anh The Guardian dẫn lại, ngoài khoản lệ phí tham dự 199 USD ban đầu, khi lọt vào danh sách chung kết, Maldives được yêu cầu đóng phí tài trợ (1 suất tài trợ bạch kim: 350.000 USD hoặc 2 suất tài trợ vàng 210.000 USD/suất) và kinh phí hỗ trợ hoạt động quảng bá vòng quanh thế giới, bao gồm phí đi lại, ăn ở và truyền thông cho đại diện New7Wonders đến thăm Maldives và một số chương trình khác. Theo các quan chức ngành du lịch, tổng các khoản chi này có thể lên tới 500.000 USD.

Tại Indonesia, tờ The Jakarta Post đưa tin, ngày 29/12/2010, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia Jero Wacik đã nhận được thư từ New7Wonders đe dọa rút Công viên quốc gia Komodo khỏi danh sách các địa danh vào chung kết cuộc bầu chọn nếu nước này không trả khoản phí bản quyền 10 triệu USD.

Đây là khoản tiền mà Indonesia được New7Wonders đề nghị chi trả để tổ chức buổi lễ công bố kỳ quan thiên nhiên mới. Indonesia cũng được yêu cầu đóng thêm 35 triệu USD kinh phí tổ chức sự kiện này.

Đại diện Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia cho rằng mức phí trên là quá đắt và từ chối tổ chức lễ công bố. Họ mời luật sư và dọa kiện New7Wonders nếu loại Công viên quốc gia Komodo. Về phần mình, New7Wonders tuyên bố thắng cảnh của Indonesia vẫn nằm trong danh sách vào chung kết, nhưng rút tư cách ủy ban hỗ trợ chính thức của Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia. 

Trong một thông cáo báo chí đăng trên trang detik.com, ông Weber cho biết, tháng 12/2010, một đơn vị tư nhân có tiếng đã được Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia chỉ định để kí hợp đồng đăng cai tổ chức lễ trao giải, song ông từ chối nêu tên đơn vị này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Indonesia khẳng định Indonesia không vi phạm hợp đồng: “Chúng tôi chưa hề kí bất cứ hợp đồng nào liên quan tới đề nghị làm chủ nhà cho lễ công bố. Do vậy, không có hợp đồng nào bị vi phạm”.

Công viên quốc gia Komodo cuối cùng cũng có tên trong danh sách sơ bộ 7 Kỳ quan thiên nhiên mới được công bố ngày 11/11/2011.

Dư luận thế giới về kết quả bầu chọn

Sau khi danh sách 7 Kỳ quan thiên nhiên mới được công bố, các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như CNN, AFP, Los Angeles Times, The Sydney Morning Herald…đều đưa kết quả bầu chọn và hình ảnh các địa danh, nhưng phần lớn không bình luận.

Trong khi đó, tạp chí National Geographic của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ cũng đưa tin về kết quả, nhưng kèm theo lời giới thiệu đây là sự kiện “gây tranh cãi, cho phép mọi người bầu chọn theo kiểu Thần tượng Âm nhạc Mỹ” và “dù nổi tiếng, nhưng cuộc bình chọn bị chỉ trích vì không khoa học và thiếu minh bạch trong các tiêu chí được áp dụng để lựa chọn các địa danh vào chung kết”.

Tạp chí cũng dẫn lời Costas Christ, biên tập viên tạp chí National Geographic Traveler băn khoăn rằng “Liệu chiến dịch này có giúp thế giới gìn giữ những khu vực thiên nhiên hoang dã cuối cùng còn lại và môi trường đại dương cho các thế hệ mai sau? Hay nó là một nỗ lực để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ đói nghèo thông qua phát triển du lịch bền vững?”.

Nhà báo này cho rằng, nếu không đạt được các mục tiêu trên thì cuộc bầu chọn chỉ là một màn tiếp thị. Theo Costas Christ, việc quảng bá các địa danh này như trong cuộc bầu chọn của New7Wonders là lợi bất cập hại nếu đứng trên quan điểm bảo tồn. Vì một số địa danh trong số 7 Kỳ quan thiên nhiên mới hiện đang bị đe dọa vì ô nhiễm và phát triển quá mức và chưa được chuẩn bị để đón nhận một lượng du khách lớn có thể đổ về nhờ hiệu ứng của cuộc bầu chọn.

Theo KH&ĐS Online