Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Có lợi ích gì từ cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long?

(17:41:53 PM 20/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, người đại diện cho UNESCO, một trong những tổ chức có uy tín nhất trên thế giới trong việc bầu chọn các di sản…


Ai khơi ra chuyện bình chọn này?

Được biết, từ năm 2007, ông đã có ý kiến và một số bài viết cảnh báo với dư luận về việc bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới thông qua New Open World Corporation (NOWC)?

Vào hè 2007, sau khi kết thúc cuộc bình chọn “07 kỳ quan kiến trúc văn hoá thế giới mới” do công ty tư  nhân New Open World Corporation chủ trì, một loạt các công trình văn hoá tiêu biểu mà hơn 23 thế kỷ qua luôn được loài người thừa nhận là “kỳ quan” của thế giới đã bị gạt ra khỏi danh sách “7 kỳ quan mới” của NOWC. Trong số đó không còn tên của các công trình vĩ đại như đền thờ Pathenon ở Hy Lạp, Kim tự tháp ở Ai Cập. Đây là một việc làm vô tiền khoáng hậu, làm đảo lộn các quan niệm truyền thống, gạt bỏ các giá trị tinh thần của quá khứ, của lịch sử văn minh nhân loại. Nhưng đáng lo ngại hơn, như nhà báo Al-Sayed của Ai Cập nhận xét, “cuộc chơi” do NOWC chủ trì không những “đã tấn công vào các nền văn minh” mà còn thúc đẩy một cuộc chạy đua khích lệ ý thức dân tộc hẹp hòi trong một bộ phận công chúng ở các quốc gia.

Tại sao lần này ông không có ý kiến?

Tôi đã gửi nhiều kiến nghị và viết báo cảnh tỉnh từ 2007 – 2008. Còn bây giờ, không phải ngại, mà vì đã muộn.

Mọi người đang bảo nhau rằng thôi thì số tiền mình bỏ ra cũng chẳng phải to tát lắm so với một số nước... mà  vẫn được tôn vinh danh dự  là “kỳ quan thế  giới”. Còn BQL Hạ Long thì  nói họ chả phải bỏ ra đồng nào.

Uy tín và danh dự của Quốc gia không thể giành lấy bằng con đường tiền bạc, nhất là bằng “giá rẻ” hoặc “miễn phí”. Nếu chỉ giải thích bằng cách làm phép nhân cho số lượt phiếu bầu thì đó là nguỵ biện, chống chế, không trung thực. Số tiền không chỉ nằm trong giá trị các tin nhắn. Ngoài tiền của, công sức và thời gian của nhân dân, thử hỏi còn bao nhiêu tiền công của Nhà nước đã bị đem ra đầu tư cho truyền thông, để mua máy tính, để làm băng rôn khẩu hiệu, để mít tinh, cổ động nhân dân, kể cả tổ chức cho khách nước ngoài và các đoàn ngoại giao tham gia cuộc chơi này…? Con số đó hoàn toàn không nhỏ và chỉ có người trong cuộc mới biết.

 
với một cuộc chơi dễ dãi kiểu NOWC, nguy cơ một thói quen tranh giành, ganh đua dễ dãi để được tôn vinh sẽ hình thành trong tiềm thức của thế hệ trẻ
"Với một cuộc chơi dễ dãi kiểu NOWC, nguy cơ một thói quen tranh giành, ganh đua dễ dãi để được tôn vinh sẽ hình thành trong tiềm thức của thế hệ trẻ"



Thiết nghĩ, đã  đến lúc các cơ quan chuyên trách cũng nên tổng kết và công bố công khai cho nhân dân biết. Tuy nhiên điều đáng nói nhất lại không phải là vấn đề tiền của và thời gian của nhân dân, mà với một cuộc chơi dễ dãi kiểu NOWC, nguy cơ một thói quen tranh giành, ganh đua dễ dãi để được tôn vinh sẽ hình thành trong tiềm thức của thế hệ trẻ. Lối chơi đó quá trục lợi, đi ngược lại các nguyên tắc quan hệ quốc tế, các tiêu chuẩn văn minh, văn hoá, hoà bình và hữu nghị mà các quốc gia hôm nay đang nỗ lực vun đắp.

UNESCO cũng không biết tí gì

Theo ông có khi nào chính người dân cũng không tự rạch ròi...

Có ngày hàng chục cuộc điện thoại gọi đến để cơ quan chúng tôi để hỏi về thể lệ, về tiêu chí cuộc bình chọn vì họ nghĩ đây là hoạt động liên quan đến UNESCO. Có lẽ, đến trên 90% người dân ở Việt Nam ngỡ rằng đây là hoạt động của UNESCO. Có rất nhiều em học sinh hỏi chúng tôi tại sao các em không được phép bầu cho các địa danh tuyệt vời khác của thế giới. Chúng tôi không biết trả lời các em thế nào.

Ông có thể phân tích khái niệm kì quan và di sản?

Theo tôi, khái niệm “di sản văn hoá và thiên nhiên” có ý  nghĩa rộng hơn khái niệm “kỳ quan”. Ngoài việc có thể hạn chế thái độ ngạo mạn tự tôn của một thiểu số các công trình kiến trúc và thiên nhiên hiện diện ở một số quốc gia, ý nghĩa chính của khái niệm di sản (theo tinh thần Công ước Bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới mà Việt Nam là một thành viên chính thức) thể hiện được mục tiêu kế thừa và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hoá và thiên nhiên cho tương lai, không phải vì lợi ích hay vì niềm kiêu hãnh của một quốc gia nào đó mà chung cho toàn nhân loại. Đó chính là bản chất tiến bộ của Công ước và là xu thế chung của thời đại. 

Ông nghĩ sao về việc đến giờ phút này NOWC vẫn chưa công bố kết quả chính thức mà còn phải chờ đợi đơn vị kiểm toán?

Đó là một “phần thưởng” không bao hàm các giá trị công pháp quốc tế, không mang tính ràng buộc, trách nhiệm và nghĩa vụ. Vậy thì công bố hay không công bố cũng đều giống nhau. Mà nếu công bố thì sau đó sẽ ra sao? Hạ Long của chúng ta sẽ được gì với cái vương miện “top 7” thế giới do chính chúng ta đã tự phong cho mình? Có lẽ người được lợi nhất chỉ là Công ty NOWC và các công ty tổ chức sự kiện ăn theo.

Ông có cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu chọn này sẽ giúp Vịnh Hạ Long phát triển du lịch?

Ba năm trước tôi đã nêu câu hỏi: Ai dám bảo đảm với Nhà nước, với nhân dân rằng thành quả đạt được từ  cuộc chạy đua tốn nhiều công của và thời gian này sẽ đem lại vinh quang cho đất nước và làm cho du lịch Việt Nam chuyển vận? Chỉ có danh tiếng không làm nên kỳ tích, nhất là đối với ngành du lịch. Nếu môi trường Hạ Long không được đầu tư đúng mức và ngày càng ô nhiễm như đà hiện nay, cảnh quan bị lạm dụng khai thác bừa bãi, ngành du lịch không cải tiến nội dung và chất lượng dịch vụ thì dù chúng ta có giành được bao nhiêu danh hiệu cao quý thì tình hình cũng khó thay đổi, thậm chí là càng phản tác dụng. 

Hãy tỉnh táo

Theo ông UNESCO và cộng đồng quốc tế  đánh giá thế nào về  cuộc bình chọn do NOWC tổ chức?

Xã hội hôm nay là  một xã hội tương đối dân chủ và tự do. Không ai cấm việc NOWC đưa ra bảy miếng bánh để các quốc gia tự ganh đua nhau, cũng không ai ngăn cản các quốc gia tham gia cuộc chạy đua này, mặc dù về thực chất đó là một việc làm mạo phạm đến sĩ diện của nhiều quốc gia. Đã có một số quốc gia lên tiếng phản ứng trò chơi của NOWC. Tuy nhiên, đa số chính phủ các nước không ngăn cản và cũng không khuyến khích công dân họ tham gia cuộc bình chọn này – vì họ chỉ coi đó là một cuộc chơi vô bổ của cư dân mạng. Với một thái độ như vậy, UNESCO không công khai phê phán gay gắt, nhưng UNESCO cũng không hợp tác với NOWC trong suốt hai cuộc bình chọn vừa qua.

Ông có thể  đúc kết điều gì sau một hoạt động ồn ào thế này?

Sau một công việc kéo dài đến mấy năm liền, có lẽ cũng nên rút ra một vài điều. Nghiêm túc nhận xét thì chúng tôi thấy: Trong khi nhiều tổ chức quốc tế tiến bộ và các quốc gia đang ra sức tạo dựng một cơ chế bình đẳng quốc tế, thúc đẩy bầu không khi thân thiện và cởi mở về văn hoá, trong khi Liên Hợp quốc và UNESCO đang triển khai các chiến dịch vun đắp cho một tư duy văn hoá quốc tế mới, chủ nghĩa nhân văn mới với nhãn quan “văn hoá vì hoà bình” dựa trên tiêu chí “bình đẳng và đa dạng hoá các giá trị văn hoá” nhằm xoá bỏ dần sự cách biệt, thứ bậc giữa các nền văn hoá, thì với một chiêu làm ăn đội lốt văn hoá dựa trên nền tảng kích thích bản tính ganh đua của con người, NOWC đã lập được một thành tích là lôi kéo hàng chục triệu người rơi vào tình trạng mất cảnh giác để tham gia vào một trò chơi đầy mạo hiểm. Trò chơi “văn hoá” đó đi ngược lại xu thế hoà bình, hội nhập và phát triển bền vững mà các quốc gia đang theo đuổi. 

Xin cảm  ơn ông!

 

“Lợi ích quốc gia là cao cả, tối thượng và cũng vì lợi ích Quốc gia mà chúng ta cần phải hết sức thận trọng chọn bạn mà chơi và chọn sân chơi để thể hiện tầm vóc Quốc gia. Đó là nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế. Nếu 1 cái gì đó được xác lập mang ý nghĩa Quốc tế thì nó cần được 1 công ước, hiệp định Quốc tế thừa nhận.

Chúng ta muốn đưa địa danh của Việt Nam trở thành di sản văn hoá và thiên nhiên theo tinh thần Công ước Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, thì để bảo đảm giá trị pháp lý, trước tiên chúng ta phải được làm thành viên chính thức của Công ước, sau đó mới đề xuất xếp hạng căn cứ vào các tiêu chuẩn của Công ước. Đó là thông lệ quốc tế”.- Ông Nguyễn Xuân Thắng


 

Theo KH&ĐS