|
Huyền thoại xứ vàng
Từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), ta đi theo tỉnh lộ ĐT 616 về hướng tây khoảng mươi cây số rồi rẽ trái, đi chừng 15 km nữa là tới xã Tam Lãnh. Đến trụ sở UBND xã Tam Lãnh là ta đã đến với cánh đồng vàng Bồng Miêu. Từ đây, bạn sẽ làm một vài thủ tục nghiêm ngặt theo quy định của khu vực sản xuất kinh tế nhạy cảm này rồi mới vào được cánh đồng vàng. Nơi đây chỉ cách thành phố Tam Kỳ chưa tới 35 km đường chim bay nhưng cho đến cuối thế kỷ 20, nó vẫn được xem là nơi rừng thiêng nước độc.
Về địa hình tự nhiên, cánh đồng vàng Bồng Miêu có núi cao, đồi thấp, thung lũng bằng phẳng, sông sâu, suối biếc. Phong cảnh thật lãng mạn, tươi đẹp. Đây là một vùng thiên nhiên tĩnh lặng, phù hợp với những người tu tiên, ở ẩn hơn là một khu sản xuất kinh tế. Thế nhưng, từ trên 10 thế kỷ qua, các tên gọi đập Ba Ra, núi Sa Rô, Hầm Hô, Thác Trắng, Núi Kẽm, Hố Gần, Dốc Dẻo… đã gắn liền với việc khai thác vàng. Bồng Miêu là mỏ vàng lớn nhất Việt Nam.
Huyền thoại cánh đồng vàng Bồng Miêu đã có từ lâu. Lương thư (Sử nhà Lương) thế kỷ thứ 5 có đoạn viết về nước Chămpa: “Nước đó có nhiều núi vàng, có nhiều đá đỏ sinh ra vàng, ban đêm tỏa sáng ra trông như đom đóm”. Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong viết: “Năm 446, Đan Hòa Chi đánh xứ Lâm Ấp, lấy được nhiều vật quý lạ đều là của báu chưa biết tên. Nấu chảy tượng vàng được mấy vạn cân”.
Từ thế kỷ thứ 10, các vua Chămpa tiếp tục cho người khai thác vàng tại Bồng Miêu để làm giàu cho vương quốc. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông tuần du về phương Nam. Dinh trấn Quảng Nam được thành lập. Vùng đất phía nam tỉnh Quảng Nam được gọi là huyện Hà Đông (gồm Tam Kỳ, Phú Ninh và Núi Thành ngày nay) chính thức có tên trên bản đồ Đại Việt, gồm 8 tổng, 46 xã. Nhà Lê cho phép nhân dân khai thác vàng. Khu vực Bồng Miêu được nhà Lê gọi là Liêm hộ thuộc. Hoạt động khai thác vàng đến đời Tây Sơn, nhà vua đổi tên gọi vùng đất này là Kim hộ thuộc.
Trong hai thế kỷ 17 và 18, công nghiệp khai thác vàng Bồng Miêu khá thuận lợi. Vàng Bồng Miêu được tinh chế, đưa xuống cửa Đại Chiêm, Hội An xuất khẩu. Từ trên 300 năm trước, vàng Bồng Miêu cùng quế Trà My đã làm nên hai thương hiệu nổi tiếng của đất Quảng Nam. Khi vua Gia Long lên ngôi (1802), triều Nguyễn độc quyền khai thác vàng Bồng Miêu.
Bồng Miêu có hai loại vàng thiên nhiên. Vàng sa khoáng là vàng trầm tích trong sông suối. Người tìm vàng phải dùng cái bòn - vật dụng bằng gỗ giống hình cái chiêng, ở giữa lõm xuống, để đãi cát trong dòng nước. Cát theo nước trôi đi; tinh thể vàng nặng hơn, lắng lại giữa đáy bòn. Loại vàng thứ hai là vàng kết tinh trong đá pyrit. Khai thác đá, đập rồi xay ra thành bột, xử lý qua quy trình lắng lọc thì lấy được quặng vàng. Công nghiệp khai thác vàng Bồng Miêu hiện nay là khoan hầm lò lấy đá pyrit. |
Vàng và máu
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng. Chiếm được Quảng Nam, Pháp làm ngay hai công trình là đào sông Câu Nhí và lập sở khai thác vàng Bồng Miêu. Thế nhưng, phải đợi đến năm 1890, sau khi đã khảo sát địa hình từ Tam Kỳ lên Bồng Miêu, người Pháp mới mở một con đường rừng xuyên qua Dốc Dẻo để tiến tới Hầm Hô và Thác Trắng. Con đường không dài, chỉ trên dưới 5 km nhưng phải xuyên qua một địa hình hiểm trở, phức tạp. Đó là con đường xương máu. Một trận lở núi mùa đông đã đè chết 150 dân phu người Việt. Những người bị thương tật thì khá nhiều.
Con đường hoàn thành năm 1895. Người Pháp lập ở đây một sở khai thác vàng, một nhà máy nhiệt điện, hai nhà kho trữ thuốc nổ, nhiều tòa nhà văn phòng và nhà ở, nhà ăn cho phu đào vàng. Họ đào vào núi Sa Rô trên 40 miệng hầm lò, ra sức khai thác vàng từ đá lấy ra trong hầm lò lẫn các vỉa quặng lộ thiên nằm trên mặt đất. Bồng Miêu, từ một vùng rừng thiêng nước độc bỗng trở thành một thị trấn vàng giữa rừng với ánh điện sáng của một nền văn minh khai hóa giả tạo.
Người Pháp dùng phu vàng là những tù nhân. Nhiều tù nhân phu vàng đã chết tại Bồng Miêu vì bị đánh đập, bị tai nạn lao động, bệnh tật. Những thỏi vàng tinh chế người Pháp thu được có cả xương máu của phu vàng Việt Nam.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Người Pháp tháo chạy khỏi Bồng Miêu và không quên phá hủy những công trình, máy móc mà họ đem vào đây. Tính ra, họ đã khai thác vàng Bồng Miêu tròn 60 năm (1885-1945), kiếm được khoảng 3.000 kg vàng tinh chế. Theo sự đánh giá của các kỹ sư khai khoáng Pháp, vàng Bồng Miêu đã cạn kiệt. Trong một báo cáo của mỏ vàng Bồng Miêu, có đoạn: “Nếu Việt Minh không chiếm nơi đây thì chúng ta cũng bỏ Bồng Miêu mà đi vì Bồng Miêu không còn quặng vàng nữa”.
Từ năm 1945, Tam Kỳ trở thành vùng tự do trong Liên khu 5. Năm 1948, lực lượng cách mạng Liên khu 5 chọn Bồng Miêu làm một công binh xưởng. Bồng Miêu trở thành một căn cứ địa bất khả xâm phạm. Vì vậy có thể nói, những dòng sông, con suối ở Bồng Miêu bỗng trở nên có linh hồn của những người đã hy sinh cạnh trầm tích của quặng vàng sa khoáng.
Sau giải phóng, người khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam và nhiều tỉnh khác tập trung về Bồng Miêu tìm vàng. Họ hy vọng những hầm lò, những vỉa quặng lộ thiên bỏ quên từ thời Pháp vẫn còn vàng. Họ đến Bồng Miêu để mót vàng. Họ phá nát tất cả những gì mà người Pháp đã xây dựng, đặc biệt là các hầm lò xuyên vào lòng núi. Đã có nhiều cái chết thương tâm xảy ra. Phổ biến nhất vẫn là nạn sập hầm lò. Cũng có những cái chết khác xảy ra do nghiện ma túy, do thanh toán lẫn nhau, do tranh giành khu vực đào đãi, do ăn chia không sòng phẳng.
|
Cánh đồng vàng sống lại
Năm 1991, Công ty Olympus Pacific Minerals của Canada được phép thăm dò trữ lượng vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu. Đến năm 2006, công ty này khai thác được 18,7 kg vàng đầu tiên, đưa về nhà máy tinh chế vàng tại Thụy Sĩ tinh luyện và xác định lại tuổi vàng. Ông David Seton - Chủ tịch công ty - nói lượng vàng này là không lớn so với thế giới nhưng vô cùng ý nghĩa đối với Chính phủ Việt Nam và công ty của ông. Ngày 6.4.2006, Công ty khai thác vàng Bồng Miêu, liên doanh giữa Canada và Việt Nam, chính thức hoạt động sản xuất vàng tại Bồng Miêu.
Người Pháp đã đánh giá sai về trữ lượng vàng ở Bồng Miêu. Với hệ thống máy móc của thời đó, họ chỉ có thể khai thác những vỉa quặng lộ thiên và đào một số đường hầm xuyên vào lòng núi để chỉ lấy được 3.000 kg vàng trong 60 năm. Thực tế khai thác ở Bồng Miêu hiện nay cho thấy chỉ riêng một mỏ Hố Gần đã có thể cho được 180.000 tấn quặng/năm, tương đương với 600 kg vàng tinh chế. Công việc khảo sát được thực hiện trong 15 năm, cho thấy Hố Gần có trữ lượng hơn 1 triệu tấn quặng.
Ông Charles Barclay, Tổng giám đốc công ty, nhận định một cách lạc quan: “Bồng Miêu có khả năng khai thác không dưới 50 năm”. Nhận định trên là có cơ sở đáng tin cậy bởi ba khu vực Hố Ráy, Thác Trắng và Núi Kẽm chưa được khai thác. Hàm lượng vàng ở Hố Gần nằm lộ thiên, tương đối ít với 3,85 gam/tấn quặng, còn hàm lượng vàng ở Núi Kẽm rất cao, đạt tới 10 gam/tấn quặng.
Đá pyrit hoặc quặng khoáng từng cục nặng khoảng 1 đến 1,5 kg được đưa vào máy nghiền, nghiền ra thành viên cỡ 1,2 cm. Sau đó các viên quặng được đưa vào máy nghiền bi nghiền nhuyễn ra thành hạt trên dưới 0,5 mm. Từ khâu nghiền bi nhuyễn tới các khâu ngâm chiết, tuyển nổi, phân kim bằng cyanure diễn ra trong một quy trình kín. Cuối cùng, bột vàng đến khâu đúc thành thỏi. Gần như nơi đây chỉ có chuyên gia đúc vàng mới được phép có mặt. Lò gas nung chảy vàng bột ra, hơi lửa nóng như trong… lò bát quái.
Mỏ vàng Bồng Miêu hoạt động lại trong 4 năm qua và sẽ tiếp tục hoạt động trong vòng 50 năm nữa, là niềm tự hào của tỉnh Quảng Nam và huyện Phú Ninh. Thương hiệu vàng Bồng Miêu có trên 300 năm đang thực sự sống lại nhờ trữ lượng hồn vàng nhập trong từng cục đá pyrit.