Trước hết, cuộc bầu chọn là cơ hội tốt để chúng ta xây dựng một biểu tượng điểm đến của quốc gia hoặc một thương hiệu quốc gia (cũng như Pháp có tháp Effel, Ai Cập có Kim Tự Tháp…) để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Thứ hai là đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh Hạ Long ở trong và ngoài nước, các bạn trẻ, học sinh, sinh viên bằng khả năng ứng dụng công nghệ internet và sức sáng tạo, lòng nhiệt tình của mình đăng đàng tại các diễn đàn mạng trong nước và quốc tế, gắn kết bằng tình cảm quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc để nói về Vịnh Hạ Long.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao hiệu quả cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long. |
Thứ ba, công tác quảng bá tốt sẽ mang lại kết quả thu hút du khách đến với Hạ Long, từ đó sẽ tạo ra nguồn thu nhập và việc làm cho người dân địa phương. Cuối cùng, kết quả cuộc bầu chọn thắng lợi sẽ mang tính hối thúc những nhà quản lý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thu hút sự đầu tư, ý thức bảo vệ di sản của người dân cũng sẽ tốt hơn.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Tình – Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế (Bộ VH-TT&DL) cho biết, với 24 triệu tin nhắn bình chọn cho Vịnh Hạ Long thì Tổ chức New Seven Wonders thu lợi được khoảng 7,2 tỷ đồng. Ông nghĩ sao về con số này?
Tin nhắn tổng kết trong nước đạt con số đó, hiện tại các bên đang đối soát vì có thể có những tin nhắn không hợp lệ. Cũng không nên nói chuyện “rẻ” hay “đắt” ở đây, mà cần so sánh như thế này, hàng năm, các nước ở Đông Nam Á khác dành khoảng 60 – 70 triệu USD, còn chúng ta chỉ chi khoảng 60 – 70 tỷ đồng cho toàn bộ chi phí quảng bá du lịch.
Chúng ta chịu áp lực rất lớn về hiệu quả với số tiền ít ỏi đó nên phải có những biện pháp khôn ngoan. Số tiền chúng ta bỏ ra cho cuộc bầu chọn đã và sẽ mang lại những khoản lợi vô cùng lớn như tôi đã phân tích ở trên.
Bản thân việc quảng bá là phải có chi phí, guồng máy của BTC nước ngoài cũng phải có cơ chế để có thu, tạo kinh phí hoạt động, tham gia cuộc chơi là phải chấp nhận quy định. Tôi xin khẳng định, cái lợi mà chúng ta đạt được lớn hơn rất nhiều và xứng đáng.
Ngoài ra, 3 năm qua chúng tôi thực hiện quảng bá hoàn toàn qua hệ thống thanh niên và qua mạng, không tốn chi phí. Thông tin Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới của Thế giới đã có mặt trên khắp các trang báo uy tín thế giới, nếu phải chi trả như trang quảng cáo, viết bài thì khoản tiền để xuất hiện như vậy cũng sẽ rất lớn.
Nhưng thưa ông, đang có những luồng dư luận đặt ra sự nghi ngại về New Seven Wonders chỉ là tổ chức tư nhân, không được quốc tế công nhận. Ông có bình luận gì về điều này?
New Seven Wonders đúng là tổ chức tư nhân. Không có ai không công nhận họ cả, chỉ là không hợp tác cùng họ trong chiến dịch này vì những lý do khác nhau. Tuy nhiên, cuộc bầu chọn do họ phát động là một ý tưởng hay, chiến dịch đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là phù hợp với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, giúp kết nối người dân toàn thế giới vì những di sản, cảnh quan của toàn nhân loại, cho phép mọi người bày tỏ chính kiến qua các phiếu bầu chọn.
Tiêu chí của chiến dịch là đánh giá khả năng quảng bá di sản, khác với UNESCO (đánh giá qua hội đồng theo những tiêu chí khoa học, có mục tiêu giáo dục, bảo tồn).
Không riêng gì nước ta, chiến dịch thu hút được sự tham gia của nhiều Chính khách quốc tế như Tổng thống Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Thủ tướng Bangladesh, Ấn Độ…nhiều nhân vật nổi tiếng như cầu thủ Park ji song, Lionel Messi quảng bá cho Thác nước Iguazu của Áchentina, Nelson Mandela ủng hộ cho Núi Bàn của Nam Phi và tất cả đều là địa danh thắng lợi, ta không có ưu thế của ngôi sao quốc tế nhưng ta có lực lượng đoàn thanh niên mạnh.
Thực tế lịch sử chứng minh nhiều cá nhân hay tổ chức cá nhân đã tạo dựng nên những chiến dịch có ý nghĩa, mang tầm quốc tế đấy chứ!
Với tiêu chí ấy thì dường như, New Seven Wonders đang vinh danh… phiếu bầu, thưa ông? Vậy tính khách quan, minh bạch của kết quả bầu chọn ở đâu?
Tôi đã từng hỏi ông chủ tịch tổ chức câu này. Ông khẳng định, cuộc chơi này đánh giá cao khả năng tuyên truyền, quảng bá cho từng địa danh, cách mà chúng ta quảng bá và vận động người khác thế nào để hiệu quả cao và đo bằng phiếu bầu.
Thế nên, kết quả có được chính là thành quả của việc quảng bá thành công. Tính minh bạch của kết quả đã có hệ thống kiểm tra, xác minh độc lập, không phải lo về sự thiếu khách quan.
Khi bầu chọn qua mạng, mỗi người phải bầu chọn 7 ứng cử viên, nên dù bạn có thiên vị cho đất nước mình thì vẫn cần phải dùng cả lý trí để bầu cho 6 kỳ quan khác.
Chỉ đến giai đoạn nước rút mới áp dụng bầu chọn bằng tin nhắn, lúc này người ta có thể bầu bằng tình cảm, thể hiện lòng tự hào dân tộc. Cũng là cách thể hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá như là tiêu chí mà cuộc chơi này hướng tới.
Theo ông, nếu không có cuộc bầu chọn này thì sẽ như thế nào?
Vịnh Hạ Long vẫn là di sản thiên nhiên thế giới hai lần được UNESCO công nhận! Tuy nhiên, phải khẳng định rằng cuộc bầu chọn là dấu cộng lớn trong công tác quảng bá, tuyên truyền của chúng ta đến với bạn bè quốc tế, đã và sẽ thu hút lượng khách ngày càng đông đến với Hạ Long.
Đó là một thành công! Hãy đặt giả thiết 4 năm qua, nếu không có cuộc bầu chọn này, mọi thứ có khá hơn không, tôi tin là không!
Vịnh Hạ Long đã được vinh danh. Để nó xứng tầm với “kỳ quan thiên nhiên mới” của thế giới, theo ông chúng ta cần làm gì?
Như tôi nói lúc đầu, kết quả của cuộc bầu chọn sẽ hối thúc những người có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng những chiến lược quy hoạch cụ thể. Mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân hữu trách sẽ có phương án triển khai riêng phù hợp, cụ thể ở đây là Quảng Ninh và BQL Vịnh Hạ Long.
Đối với Bộ VHTTDL, quảng bá Vịnh Hạ Long như thương hiệu về điểm đến sẽ là điểm nhấn cho công tác quảng bá quốc tế thời gian tới. Mỗi người cần làm tốt nhất phần việc của mình thì công việc chung sẽ có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!