Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Rừng nghèo ở Đắc Lắk
Tổng diện tích rừng nước ta liên tục tăng trong giai đoạn 1998 – 2010, sau 12 năm tăng gần 3 triệu ha, nâng độ che phủ từ 32% lên 39,5%. Diện tích rừng tăng chủ yếu là rừng trồng và một phần nhỏ là khoanh nuôi bảo vệ. Tính chung trong cả nước, diện tích rừng tăng tuy nhiên ở một số tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn như Đắc Lắk, Bình Phước… diện tích rừng liên tục giảm! Điều đó cho thấy rằng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng đầu nguồn có giá trị cao tiếp tục bị “chảy máu”.
Xét về khía cạnh sinh thái, số liệu thống kê độ che phủ rừng nước ta tăng nhanh không khiến các nhà môi trường an tâm. Cách định nghĩa thế nào là rừng của nước ta và ngay cả của FAO (Tổ chức Nông lương LHQ) cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Theo Luật BV và PT rừng 2004: “Rừng... cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên”. Còn theo FAO “diện tích có độ che phủ lớn 10% thì được gọi là rừng”. Simon Counsell - Nhà lãnh đạo Tổ chức Rừng Nhiệt đới ở Anh thì cho rằng: 10% chỉ là mảnh đất có thưa thớt một ít cây gỗ. Dữ liệu về rừng đã không còn chính xác. FAO đang phóng đại diện tích rừng. Cũng theo các nhà môi trường, những mảng rừng có tán che phủ nhỏ hơn 50% thì coi như rừng đã bị hủy hoại, giá trị môi trường của rừng không đáng kể.
Các phương tiện truyền thông thời gian qua liên tục phản ánh, nạn phá rừng ở nước ta vẫn không hề giảm, lâm tặc đang hoành hành khắp nơi. Nhiều khu Vườn Quốc gia, rừng đầu nguồn như VQG Yok Don - Đắc Lắk, VQG Mũi Cà Mau, rừng đầu nguồn Kẻ Gỗ... vẫn bị đang bị “xẻ thịt”. Bên cạnh đó, nhiều dự án đã “ lấn” rừng một cách “hợp pháp” bằng cách... xin điều chỉnh ranh giới Vườn Quốc Gia, khu bảo tồn hoặc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường... khống!
Rừng bị tàn phá nặng nề và hậu quả hiện nay để lại hơn 7,7 triệu ha rừng nghèo không biết bao giờ mới phục hồi và trở về đúng vai trò của nó - bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai.