Ảnh mô phỏng hồ nước trên mặt trăng Europa. Ảnh: NatGeo. |
Có kích thước tương tự Mặt trăng của Trái đất, vệ tinh Europa của sao Mộc từng được cho là có một đại dương hình cầu nằm dưới bề mặt băng dày khoảng 100km. Tàu thăm dò Galileo của NASA đã phát hiện bằng chứng của đại dương trên Europa khi nó quay quanh mặt trăng này và sao Mộc từ năm 1995 đến năm 2003.
Trong nghiên cứu mới nhất vừa được công bố, tiến sĩ Don Blankenship và các cộng sự thuộc trường đại học Texas (Mỹ) đã phát hiện thấy hồ nước ngầm khổng lồ trên mặt trăng Europa sau khi họ phân tích hai khu vực có địa hình nhấp nhô trong những hình ảnh của tàu thăm dò Galileo chụp bề mặt của mặt trăng này cách đây 1 thập kỷ.
Hồ nước mặn, được phát hiện nằm cách bề mặt của vệ tinh Europa khoảng 3km, có thể là môi trường thích hợp cho sự sống mới nhất được phát hiện trong Hệ mặt trời. Đây cũng là một trong những địa điểm triển vọng nhất để tìm thấy sự sống ngoài Trái đất.
“Trong nhiều thập kỷ quam các nhà khoa học đã nghĩ rằng mặt trăng Europa của sao Mộc là một nơi có thể tồn tại sự sống, những bây giờ chúng tôi đã tìm thấy những khu vực cụ thể có thể tồn tại sự sống trên mặt trăng băng giá này”, tiến sĩ Don Blankenship, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên National Geographic.
Các nhà khoa học phỏng đoán Mặt trăng Europa có thể tồn tại nhiều hồ nước dưới bề mặt băng và một số hồ có thể chỉ cách bề mặt khoảng 10m. Điều này mở ra hy vọng tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên mặt trăng của sao Mộc.
“Một số hồ chỉ cách bề mặt khoảng 10m. Điều này đồng nghĩa chúng ta có nhiều cơ hội để đưa tàu thăm dò và lấy mẫu vật chất của những hồ này một các tương đôi dễ dàng. Tôi nghĩ phát hiện này là một động lực cho những cuộc khám phá mặt trăng Europa trong tương lai”, tiến sĩ Blankenship cho biết.
Để có thêm bằng chứng khẳng định sự tồn tại của các hồ nước và xác định vị trí của chúng trên mặt trăng Europa, NASA hiện đang xem xét phóng tàu thăm dò nghiên cứu vệ tinh này vào trước năm 2022.