(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Sáng nay (18/11), tại Thừa Thiên Huế, WWF tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động dự án "Mây bền vững" được thực hiện trong 3 năm vừa qua với nhiều kết quả khả quan. Dự án đã mang lại những giá trị kinh tế cho bà con người dân tộc đồng thời đảm bảo được tính đa dạng sinh học cho các cánh rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Ông Nguyễn Viết Hoạch, Phó GD Sở NN&PTNT tinh Thua Thiên Huế phát biểu khai mạc hội thảo
Dự án “Mây Bền vững” do WWF-Việt Nam thực hiện từ năm 2009 được đánh giá cao về những giá trị kinh tế mang lại cho bà con người dân tộc đồng thời đảm bảo được tính đa dạng sinh học cho các cánh rừng tự nhiên.
Ông Nguyễn Viết Hoạch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu “Sau 3 năm hoạt động, dự án đã có những hỗ trợ tích cực để người dân địa phương và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động trồng, khai thác và sản xuất song mây, đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là một điều đáng hoan nghênh vì chính quyền rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo được yếu tố môi trường.”
Tham gia hội thảo đánh giá tổng kết giai đoạn 1 (2009-2011) cũng như định hướng hoạt động cho giai đoạn 2 (2012-2014) được tổ chức hôm nay tại thành phố Huế có hơn 100 đại biểu gồm lãnh đạo các cấp ở TW, hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và đại diện cộng đồng địa phương.
Dự án do Ủy ban Châu Âu, Công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ Tài chính Đức DEG đồng tài trợ. Với địa bàn là 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, những tỉnh cung cấp nguồn song mây nguyên liệu và thành phẩm chính, dự án có mục tiêu xây dựng một quy trình liên kết các hoạt động phát triển ngành mây theo hướng bền vững. Quy trình này bắt đầu từ nguồn nguyên liệu được trồng và/ hoặc quản lý theo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, rồi đến các công ty chế biến và sản xuất song mây và cuối cùng là quảng bá kết nối sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Tại hai tỉnh, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng mây tự nhiên của 7000 ha rừng trong đó có 2000 ha đã được đưa vào quản lý bền vững, đồng thời hỗ trợ trồng 40 ha mây nước nhằm giúp bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu quý của địa phương. Bên cạnh đó dự án cũng giúp 40 thôn của cả hai tỉnh thành lập và tham gia 40 Nhóm Sở thích Mây (STM)- để có thể chăm sóc và quản lý cây mây một cách hiệu quả và kinh tế nhất.
Nhóm STM thôn Đông Râm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam hiện có một vườn ươm mây rộng 400m2 với hơn một vạn cây mây giống.
Anh Nguyễn Văn Rược, Trưởng nhóm vui vẻ cho biết: “Bà con trong thôn phấn khởi lắm. Bà con được hỗ trợ cây giống, lại được cán bộ kỹ thuật Dự án về hướng dẫn quy trình và cách thức chăm bón cây. Mình với mọi người trong Nhóm đang cố gắng chăm sóc vườn ươm thật tốt theo chỉ dẫn của cán bộ. Sợi mây đạt tiêu chuẩn khi thu hoạch bán cho công ty sẽ được nhiều tiền hơn. Dự án còn giúp ký các hợp đồng mua bán cho Nhóm với các công ty thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp tối ưu cho bà con, từ đó bà con sẽ làm quen dần với kinh doanh chuyên nghiệp.”
Một đối tượng khác mà dự án hướng tới trong quá trình hoạt động đó là các doanh nghiệp chế biến và sản xuất song mây tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Tham gia vào dự án, các doanh nghiệp này được hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất có trách nhiệm với môi trường, có chuyên gia đến hướng dẫn về thiết kế bền vững và bắt kịp với các xu hướng thiết kế mới nhất, có cơ hội quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại quốc tế như Life Style, Spoga và Ambiente.
Ông Nguyễn Trường Thiên, Giám đốc Xí nghiệp Mây tre Xuất khẩu Âu Cơ phát biểu: “Từ khi áp dụng quy trình Sản xuất Sạch hơn và cải tiến mẫu mã sản phẩm, công ty giảm được các chi phí sản xuất đáng kể và được nhiều bạn hàng trong và ngoài nước tín nhiệm tìm đến. Nhờ đó lương tháng của công nhân tăng từ 1 triệu lên 2.5triệu. Một số anh em có tay nghề cao còn được hưởng mức lương 3.5triệu đồng một tháng.”
Một trong những cột mốc quan trong của dự án là vào tháng 11 năm 2010, WWF-Việt Nam và một số tổ chức khác như WinRock và Prosperty đã vận động và hỗ trợ để tổ chức Hội thảo Chính sách cấp Bộ đầu tiên về phát triển Mây Tre do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì. Kết quả là ngày 18/02/201, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 11/2011/QĐ-TTg nhằm khuyến khích phát triển ngành mây tre tại Việt Nam. Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế thẩm định và UBND huyện A Lưới đã phê duyệt chính thức bổ sung cơ cấu cây trồng Mây - Tre vào chương trình trồng rừng của huyện giai đoạn 2011-2015. Tại huyện Nam Đông (TT. Huế), thí điểm hợp đồng khoán rừng để quản lý và hưởng lợi từ mây giữa người dân và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã được thực hiện. Tại huyện Nam Giang (Quảng Nam), thí điểm xây dựng quy trình quản lý, khai thác bền vững, thu mua và vận chuyển đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ban ngành và doanh nghiệp.
Ông Lê Viết Tám, Giám đốc Dự án Mây Bền vững chia sẻ “Đây chỉ là những bước đầu tiên để hướng ngành song mây đi vào con đường phát triển bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, tín hiệu vui là bản thân các công ty Việt Nam cũng cam kết phát triển song mây theo hướng hội nhập quốc tế. Ngoài việc ký kết thương mại với các Nhóm STM trong nước, một số công ty tham gia vào dự án đang lên kế hoạch xúc tiến hợp tác hoặc mở công ty liên doanh tại Lào – nơi đầu tiên và duy nhất trên thế giới có 1.200 ha rừng mây đạt chứng chỉ FSC từ Hội đồng Quản trị Rừng Thế giới tại huyện Khamkeut ”.
Từ năm 2012, khi dự án chuyển sang giai đoạn 2, người dân ở 2 tỉnh TT Huế và Quảng Nam sẽ được tiếp tục hỗ trợ để có thu nhập ổn định – đặc biệt là ưu tiên bà con dân tộc thiểu số vốn có thế mạnh về truyền thống đan lát đồ dùng trong nhà như gùi, giỏ, chiếu…Dự án sẽ tập trung hỗ trợ quản lý và khai thác các khu rừng và nguồn mây bền vững, tiếp cận chứng chỉ rừng FSC; phát triển hai làng nghề tại Nam Đông và Nam Giang – được thành lập trong pha 1 - theo hướng tổ hợp tác/hợp tác xã gắn với liên kết thị trường, phù hợp với chương trình phát triển nông thôn mới của chính phủ Việt Nam.