Vợ chồng anh Chau Sóc Kim và chị Nguyễn Thị Diễm Châu đến với nghề nuôi rắn thả vườn trong một dịp tình cờ. Cách đây khoảng 4 năm, anh Kim bị bệnh tai biến mạch máu khiến sức khỏe giảm sút. Do không thể làm việc nặng nhọc nên anh buộc phải tìm công việc nhẹ nhàng hơn để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học và chăm sóc mẹ già.
Lúc này, nhận thấy những loại rắn hoang dã như hổ hèo (còn gọi là gáo trâu), sọc dưa, gáo thường, hổ hành… có giá bán rất cao nhưng nguồn cung ngoài tự nhiên ngày càng ít, vợ chồng anh nảy sinh ý định nuôi rắn kiếm lời. Tuy nhiên, khi đi học hỏi mô hình nuôi rắn trong chuồng ở vài nơi, anh thấy hiệu quả không cao do rắn chậm lớn, dễ chết và gây ô nhiễm môi trường, hàng ngày phải vất vả vệ sinh chuồng trại…
Vợ chồng anh Kim kiểm tra lứa rắn sắp thu hoạch.
“Tôi chợt nghĩ, rắn là loài vật thích sống hoang dã. Tại sao mình không tạo môi trường tự nhiên để chúng sinh trưởng?”, anh Kim nhớ lại. Thế là vợ chồng anh quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để lấp lại ao cá sau nhà, cải tạo thành vườn tạp và xây tường bao xung quanh. Sau đó, anh sang một trang trại ở Đồng Tháp mua 200 con rắn giống về thả nuôi.
Trong khu vườn, anh xây 2 hộc dài bằng gạch để rắn đẻ trứng, trồng thêm các loại bạc hà, cỏ dại, cây ăn trái để chúng trú ngụ. Ở phía góc vườn, anh dẫn nước máy vào tạo thành ao nước tự nhiên để rắn có nước uống. Mỗi ngày, anh đặt mua từ 20 – 30kg ếch, nhái của những người hàng xóm với giá 20.000 đồng/kg thả vào vườn làm thức ăn cho chúng. Thế là từ 200 con rắn giống ban đầu, hiện vườn rắn đã tăng lên hơn 1.500 con.
Để “lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng anh bán rắn giống cho những người có nhu cầu. “Cứ cách khoảng 10 ngày đến nửa tháng là có người đến mua từ 20 – 50 con rắn giống về nuôi. Chúng tôi bán với giá 500.000 đồng/con, riêng đối với rắn “bố mẹ” có giá 4,5 triệu đồng/cặp. Số tiền này dùng để chi tiêu trong gia đình và đầu tư mua thức ăn cho rắn”, chị Diễm Châu chia sẻ.
Hiện tại, vợ chồng anh đang tích cực “vỗ béo” đàn rắn thịt để chuẩn bị cho đợt bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nhờ cách thả nuôi gần giống như rắn hoang dã, rắn thịt tại vườn của anh Kim được thương lái đặt hàng với giá 900.000 đồng/kg rắn hổ hèo, 250.000 đồng/kg rắn sọc dưa, còn gáo thường và hổ hành có giá 200.000 đồng/kg.
Thời điểm Tết năm trước, vợ chồng anh Kim thu về hơn 180 triệu đồng từ việc bán rắn thịt. Với lượng rắn tăng lên nhanh chóng và giá bán vẫn ở mức cao, vợ chồng anh dự đoán năm nay có thể đạt doanh thu gấp đôi so với cùng kỳ.
Theo lời anh Kim, do rắn được thả trong vườn nên chúng đi “vệ sinh” vào gốc cây hoặc bụi cỏ, vô tình tạo thành phân cho cây phát triển, không gây ô nhiễm như nuôi trong chuồng. Đồng thời, rắn là loài vật khỏe, rất ít bệnh. Thường chúng chỉ mắc một chứng bệnh là đẹn lưỡi dẫn đến ăn yếu, chậm lớn. Trong trường hợp này, chỉ cần pha thuốc trị đẹn vào nước uống của rắn là xong.
“Làm ruộng còn phải vất vả đi sạ lúa, phun thuốc, bón phân, thu hoạch… còn nuôi rắn khỏe re à, chỉ cần chú ý xây tường bảo vệ để chúng không thoát ra ngoài. Rắn đã quen hơi người nên muốn bắt chúng cũng dễ dàng, lại không lo đầu ra vì nhu cầu tiêu thụ rất lớn”, anh Chau Sóc Kim nhấn mạnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, mô hình nuôi rắn thả vườn của vợ chồng anh Kim đã được các đơn vị này thường xuyên kiểm tra và đảm bảo các quy định về điều kiện thả nuôi động vật hoang dã. Mô hình này vừa giúp bảo tồn những loài rắn đang bị cạn kiệt dần ngoài tự nhiên, vừa tạo hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Đối với những hộ có nhu cầu nuôi rắn thả vườn, chỉ cần đăng ký với Chi cục Kiểm lâm để được hướng dẫn. Đồng thời, đơn vị này sẽ cấp giấy phép để chủ trang trại vận chuyển rắn đi tiêu thụ.