Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Những nội dung được tập trung thảo luận gồm biến đổi khí hậu, môi trường và tác động xã hội đối với Việt Nam, đường lối chính sách ứng phó của Việt Nam, một số kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong cộng đồng, một số sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu đã phát huy hiệu quả. PISA tài trợ triển khai bếp cải tiến tại Bản Nhộp, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Bản Nhộp là bản dân tộc Thái, việc đun nấu chủ yếu bằng bếp truyền thống, dùng củi, lấy từ rừng còn lại tận dụng cành cà phê từ vườn nhà hay các phế thải thực vật khác. Có 4 loại bếp cải tiến là bếp gốm, bếp gạch, bếp đúc và bếp sắt với các loại vật liệu làm bếp có thể mua ngay trong tỉnh. Các hộ dân sử dụng bếp đều có chung nhận xét là bếp gạch và bếp gốm tiết kiệm củi, thời gian đun nấu và dễ sử dụng.
Sau thời gian thử nghiệm 146 bếp cải tiến, người dân thấy nên tiếp tục cải tiến bếp ở một số điểm như: bếp đúc cần nghiên cứu chống nứt, có thể làm thêm tai nồi để tiện di chuyển, thông 2 buồng đốt để tận dụng nhiệt hoặc để nướng, thay thế vật liệu nhẹ hơn; bếp sắt cần miệng bằng để dễ cho củi. TS. Đoàn Đức Lân, Đại học Tây Bắc đề xuất nên mở rộng dự án bếp cải tiến ở xã Chiềng Ly, các bản dọc đường nhựa, đường quốc lộ 6 vì người dân các bản này tiêu thụ khá nhiều củi.
Ở vùng đồng bằng, có một số hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của phụ nữ như gieo mạ trên sân; cải tạo đất chua, mặn bằng vôi bột; phối hợp bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn - đê tự nhiên; thử nghiệm trồng khoai tây tận dụng rơm rạ; thực hành làm phân ủ...
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã đưa một vấn đề mới đang còn tranh luận trên thế giới là mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người. Từ cách tiếp cận "quyền" cho thấy biến đổi khí hậu khoét thêm bất bình đẳng giữa những người giàu với người nghèo, giữa nước phát triển và đang phát triển. Sự bất bình đẳng thể hiện ở chỗ khi toàn nhân loại nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính thì những người giàu và những nước phát triển lại đang có sự "phát thải xa xỉ" và ngược lại những người nghèo, nước đang phát triển thậm chí còn chưa thể "phát thải sinh tồn". Như vậy "được phát thải sinh tồn" chính là một trong những quyền cơ bản của con người. Việc sử dụng các luận điểm về "công bằng" trong hưởng thụ các "quyền" để thực hiện mục tiêu phân phối dẫn đến một vấn đề về đạo đức môi trường là cộng đồng quốc tế dường như đang cổ vũ cho "quyền được phát thải" hay "quyền được gây ô nhiễm". Vì thế, việc bảo đảm các quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu đang có xu hướng bị biến thành phương tiện thay vì mục tiêu cuối cùng.