Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần chấm dứt tình trạng khai thác hải sản và săn bắn chim thú

(08:49:32 AM 17/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Các loài cá sông, suối thường đắt gấp rưỡu, gấp đôi cá ao vì chất lượng thịt thơm ngon của nó. Điều đáng nói là nhiều loài cá còn quá nhỏ, thậm chí còn hiếm có như cá lăng, cá chiên, quất... cũng bị hủy diệt không thương tiếc.

Ảnh minh họa


* Lào Cai: Từ cuối hè 2011, nắm được quy luật tự nhiên những đàn chim kiếm mồi trước mùa đông, trên nhiều cánh đồng khắp các địa phương trong tỉnh Lào Cai xuất hiện nhiều thợ săn, bẫy chim công khai. Các chú cò, vạc, cuốc, hia, giẽ giun, gà nước, vịt nước, cu gáy... sa lưới thành bầy đàn và được bày bán công khai như những món đặc sản tại chợ với mức giá khác nhau, dao động từ 15 đến 150.000đ/con, thấp nhất là con cò giá 15.000đ/con, cao nhất là vịt giời 150.000đ/con. Để bắt được chim, những người săn chim dùng đủ loại bẫy, mồi như: lưới, keo dính, thậm chí dùng âm thanh phát đủ tiếng các loài chim "để mồi”… 


Tại bãi giữa nằm ở khu vực sông Hồng, thành phố Lào Cai vào những ngày cuối hè người dân vui mắt ngắm từng đàn cò trắng bay liệng kiếm ăn ven sông. Khi trời tối, chúng ngủ lại trên các bụi lau sậy. Nhưng sự xuất hiện của đàn cò không lọt khỏi những con mắt hám lợi và ích kỷ của những kẻ đi săn, lập tức những cái bẫy được giăng lên và chỉ trong 2 đêm là mất tiêu cả đàn cò hàng ngàn con. Trớ trêu thay, việc làm của những kẻ đi săn chim lại diễn ra ngay giữa khúc sông trong lòng thành phố trước sự chứng kiến và bàn ra tán vào của nhiều người, nhưng không thấy cơ quan chức năng lên tiếng. 


Chuyện bẫy chim diễn ra chóng vánh đã đành, ngay trên khúc sông này, người ta vẫn thấy thường trực 2 đến 3 con thuyền dùng xung điện đánh cá hoành hành xuôi ngược dòng sông. Những chủ thuyền này trắng trợn đến mức dùng máy nổ kích nạp điện sục sạo các ngóc ngách bờ sông bắt bất cứ con cá nào dính điện nhao lên khỏi mặt nước. Mỗi khi có chú cá nào ngửa bụng là trên bờ lại vang lên tiếng "ồ" thán phục của người bộ hành hai bên bờ sông. 


Điều đáng lấy làm lạ là trong khi ở đâu đó xa xôi như sông Chảy khu vực Bảo Yên, hay suối Cốc San (Bát Xát), suối Khe Lếch (Văn Bàn) người ta vẫn truy quét kẻ dùng xung điện và thuốc nổ đánh bắt cá, nhưng ở ngay trong lòng thành phố Lào Cai, hoạt động của kẻ bẫy chim, bắt cá cứ ngang nhiên giữa phố đông như chỗ không người. 
Bà Hoàng Thị Đờ, một chủ quán cơm bình dân ở phường Kim Tân kể rằng sáng nào bà cũng mua được cá sông, suối về cho khách sành điệu nhắm rượu. Các loài cá sông, suối thường đắt gấp rưỡu, gấp đôi cá ao vì chất lượng thịt thơm ngon của nó. Điều đáng nói là nhiều loài cá còn quá nhỏ, thậm chí còn hiếm có như cá lăng, cá chiên, quất... cũng bị hủy diệt không thương tiếc.
Thiết nghĩ, nếu cứ để tái diễn cảnh bẫy chim, bắt cá này xảy ra thì không chỉ xâm hại đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng sinh thái mà còn làm mất trật tự và an toàn xã hội. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng địa phương cần phải vào cuộc và có thái độ kiên quyết bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ các loài động vật tránh khỏi sự săn bắt mang tính hủy diệt của những đối tượng bất minh, trả lại bình yên cho sông nước. 

* Thừa Thiên - Huế: Việc khai thác hải sản vi phạm luồng tàu ra, vào cảng Chân Mây, Thừa Thiên - Huế hiện đang gây mất an toàn, thiệt hại kinh tế không nhỏ nhưng sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương để xử lí còn lỏng lẻo. Cuối năm là mùa khai thác tôm hùm bông chính của ngư dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - nơi có cảng Chân Mây. Mỗi ngày, có hàng trăm chiếc thuyền thúng, lưới, phao được thả dày kín đến sát các tàu lớn đang neo đậu ở cảng Chân Mây. Theo báo cáo của xã Lộc Vĩnh, địa phương có 145 hộ dân tham gia khai thác hải sản ở khu vực luồng tàu ra, vào cảng Chân Mây và mỗi ngày đặt hơn 300 phương tiện đánh bắt hải sản các loại thì ngư dân đi đặt ngư lưới cụ từ tối ngày hôm trước đến sáng hôm sau. Ngày nào, thời tiết xấu, biển động mạnh thì tôm hùm bông càng nhiều và vào gần bờ. Xã Lộc Vĩnh đã nhiều lần tổ chức họp dân để tuyên truyền nhưng hiện còn 15-20 hộ dân vẫn thường xuyên và cố tình vi phạm. Trong khi đó, xã Lộc Vĩnh không được trang bị tàu để quản lí và đi tháo gỡ ngư lưới cụ của các hộ dân vi phạm. 


Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc cảng Chân Mây cho biết: “Tình trạng các hộ dân đặt ngư lưới cụ trái phép đang diễn biến có chiều hướng phức tạp. Một số người dân đang tiếp tục tập kết các dụng cụ, phương tiện để chuẩn bị cho việc đánh bắt thủy sản trái phép tại khu vực luồng tàu, khu đậu tàu của cảng Chân Mây. Việc làm trên của ngư dân đã làm ảnh hưởng đến sự an toàn, gây chậm trễ việc đón khách và thiệt hại kinh tế cho các đơn liên quan”. Ông Thọ dẫn chứng thêm: “Một số đơn vị, tàu ở trong và ngoài nước đã có văn bản phản ánh bị vướng vào ngư lưới cụ làm chậm trễ chương trình thăm quan của khách. Thậm chí, có vị trưởng tàu còn cảnh báo nếu tình trạng đặt ngư lưới cụ trong luồng tàu vẫn xảy ra thì sẽ đổi lịch trình, không cập cảng Chân Mây ”. 


Ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết : Tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, ban, ngành phối hợp xử lí kiên quyết, cưỡng chế và dứt khoát không để tái diễn khai thác hải sản vi phạm luồng tàu ra vào, không vì lợi ích cục bộ của một bộ phận người dân mà mất đi lợi ích to lớn, lâu dài của nhà nước".

TTXVN