Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

IMF lo ngại sụp đổ hệ thống tài chính

(23:40:39 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo hệ thống tài chính toàn cầu đang bước dần tới “bờ vực của sự sụp đổ có hệ thống”.

Dominique Strauss-Kahn Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo hệ thống tài chính toàn cầu đang bước dần tới “bờ vực của sự sụp đổ có hệ thống”.

 

Ông Dominique Strauss-Kahn nói cho tới nay các quốc gia phát triển đã không thể khôi phục lòng tin. Tuy nhiên, ông đồng ý với một kế hoạch hành động mới của nhóm G7.

 

Ông Strauss-Kahn cũng cho biết rằng IMF sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia đang thực sự cần vốn.

 

Giám đốc IMF lên tiếng sau các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Bush, các bộ trưởng tài chính khối G7 và Ngân hàng Thế giới.

 

Hôm 9/10, tại Washington, nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới đã công bố kế hoạch năm điểm nhằm nới lỏng thanh khoản, ủng hộ các nỗ lực của ngân hàng nhằm huy động vốn cũng như làm sống lại thị trường cho vay mua nhà trả góp.

 

Phát biểu tại Washington hôm 10/10, ông Strauss-Kahn nói: "Quan ngại gia tăng về khả năng thanh toán của một số định chế tài chính lớn nhất Mỹ và châu Âu đã đẩy hệ thống tài chính toàn cầu tới bờ vực sụp đổ có hệ thống”.

 

Sau đó, ông nói tại một cuộc họp báo: “Sự phối hợp đầu tiên của các nước phát triển và phần còn lại của thế giới giờ đang đi đúng đường”.

 

Bộ trưởng tài chính các nước G7 cùng đại diện IMF và Ngân hàng Thế giới
Ông Bush nói các quốc gia cùng đoàn kết trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời

 

Phóng viên chuyên về kinh tế của BBC, Andrew Walker, từ Washington nhận định rằng những tuyên bố mạnh mẽ của giám đốc IMF phản ánh niềm tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có khả năng bị khống chế.

 

Trước đó, ông Strauss-Kahn cùng bộ trưởng tài chính các quốc gia Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Anh, Italy, Nhật Bản và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã gặp nhau tại Nhà Trắng. 

 Sự phối hợp đầu tiên của các nước phát triển và phần còn lại của thế giới giờ đang đi đúng đường
 
Ông Strauss-Kahn

Sau các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo kinh tế, ông Bush cũng cam kết hành động phối hợp để đối phó, cho rằng đây là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nghiêm trọng nên cần có phản ứng toàn cầu nghiêm túc.

 

Bán tháo

 

Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi các thị trường tài chính châu Á, châu Âu và Mỹ tiếp tục bán tháo dù có các biện pháp can thiệp như cắt giảm lãi suất hay bơm thêm tiền của các ngân hàng trung ương.

 

Cuối ngày 9/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho biết Mỹ dự định đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng lần đầu tiên kể từ năm 1930, tiếp sau một chương trình tương tự ở Anh nhằm quốc hữu hóa từng phần ngân hàng.

 

Các nước G7 cũng không loại bỏ việc chấp thuận một phần kế hoạch khác của Anh, theo đó bảo hiểm việc vay vốn liên ngân hàng.

 

Nhóm G7 cũng để ngỏ việc tiếp tục cắt giảm lãi suất, mà sáu ngân hàng trung ương tuần qua đã cùng cắt giảm 0,5 phần trăm.

 

Nhưng phóng viên của chúng tôi nói rằng kế hoạch thiếu chi tiết của G7 cũng vẫn ít nhiều gây thất vọng.

 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói không có một quỹ ứng cứu tài chính chung cho châu Âu, tương tự với kế hoạch giải cứu Wall Street.

 

Hai nhà lãnh đạo cũng nói rằng một cách tiếp cận chung đối với cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời có khả năng xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh của 15 lãnh đạo châu Âu ở Paris vào ngày 11/10.

(Theo BBC)