Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rùng mình sống chung với nghĩa trang

(07:52:59 AM 17/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Hàng trăm khu nghĩa trang nhỏ lẻ vẫn tồn tại giữa các khu dân cư ở TP.HCM. Đặc biệt là những quận ngoại thành như Thủ Đức, Quận 9, Quận 12…

Hiện tượng này đã mang đến nhiều vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe, cũng như mang lại nhiều phiền toái cho những người dân sống xung quanh.
 
Tràn làn nghĩa trang tự phát
Tràn lan nghĩa trang tự phát
Nghĩa trang trên đường Phú Châu, Phường Tam Bình, Quận Thủ Đức, TP.HCM với hàng ngàn ngôi mộ là một điển hình của nghĩa trang tự phát. Nghĩa trang này vốn là một nghĩa trang của nhà chùa, đã tồn tại khá lâu, và hiện nay số lượng mộ vẫn đang tiếp tục tăng thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm ngôi mộ mỗi năm. Điều này gây ra rất nhiều phiền toái cho những người dân sống xung quanh khu vực. Nhiều lần họ đã phải phát hoảng vì những tiếng khóc nỉ non của những người bốc mộ vào lúc nửa đêm.
Nghiêm trọng hơn là hiện tượng ô nhiễm môi trường. Cụ ông Nguyễn Văn Thìn, người cư ngụ gần khu mộ này than thở: “Tôi ở đây từ khá lâu rồi. Ở gần khu mộ nên ăn không ngon ngủ không yên vì lo lắng quá, nhất vấn đề môi trường. Nhiều khi nghe mùi tanh hôi bốc lên mà phát bệnh, các giếng nước ở quanh đây cũng ô nhiễm lắm rồi cũng nên không dám xài nữa. Chỉ tội nghiệp tụi nhỏ, ở gần nhiều khi tụi nó khóc thét lên vì sợ hãi, nhất là những lần nghe tiếng kèn đám ma”. 
Dạo một vòng quanh các khu vực phường Tân Thới Nhất, Thạnh Xuân (quận 12), phường 11, 12 (quận Gò Vấp), phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình (quận Thủ Đức), phường Tân Thuận Đông, Tân Kiểng (quận 7)… đâu đâu cũng thấy có những ngôi mộ xi măng, mộ đá mài, mộ đất xen cài trong khu dân cư, thậm chí nằm ngay trong khu quy hoạch dân cư, cụm công nghiệp. Hầu hết các khu mộ này đều không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Cần biện pháp tích cực
 
Hàng trăm ngôi mộ trong nghĩa trang tự phát trên đường Phú Châu, Q. Thủ Đức
Việc những nghĩa trang tự phát tồn tại đã khá lâu và vẫn đang không ngừng tăng lên về số lượng cũng như diện tích. Điều này xuất phát từ việc những người dân thường có thói quen chôn cất người thân của mình ngay trong vườn nhà để tiện chăm nom, hương khói. Sau đó, thấy giá bán đất dành để chôn người chết có xu hướng tăng, nhiều người đã tự ý quy hoạch vườn của mình thành một nghĩa trang nhỏ để bán. Thực ra, chính quyền địa phương ở một số nơi cũng nhắc nhở, thậm chí cấm không cho người dân chôn người chết trong vườn, ruộng nhưng cũng khó mà xử lý khi người dân nại ra những lý do trên.
Theo thống kê từ Cục Thống kê TPHCM, mỗi năm địa phương này sẽ có khoảng 40.000 người chết. Với khoảng 80% số người chết có nguyện vọng được táng tại TPHCM, nếu tính bình quân một ngôi mộ là 1,5m2, thì mỗi năm thành phố cần khoảng 48ha đất dùng để làm nghĩa trang. Theo đó, đến năm 2020 nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang của thành phố là khoảng 480ha.
Sở Quy hoạch kiến trúc đã báo cáo với UBND Thành phố về tình hình quy hoạch các nghĩa trang trên địa bàn. Theo đó vì quỹ đất của TP không nhiều, nên rất nhiều nghĩa trang sẽ phải “mượn” đất của những tỉnh thành kế cận. Sáu nghĩa trang được quy hoạch nằm ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Dương với tổng diện tích đất hơn 1.600 ha. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm áp lực do nhu cầu chôn cất người thân của hàng triệu người dân thành phố.
Hiện nay, Thành phố chỉ có bốn nghĩa trang nhân dân tập trung là Bình Hưng Hòa (Q. Bình Tân, đang có kế hoạch di dời) Gò Dưa (Q. Thủ Đức), Đa Phước (Bình Chánh), và Bình Khánh (Cần Giờ) với quỹ đất cũng gần như đã cạn kiệt. Trong khi đó, các khu nghĩa địa nằm rải rác, xen lẫn giữa các khu dân cư có tổng diện tích khoảng 1.100 ha. Số liệu này cho thấy tình trạng khan hiếm đất dành cho nghĩa trang ở TP.HCM đã trở nên trầm trọng như thế nào.

6 khu vực dự kiến bố trí nghĩa trang, nghĩa địa:
Khu vực 1: 300 ha hướng tây bắc thành phố gồm: 150 ha xã Trung Lập Thượng - huyện Củ Chi; 150 ha huyện Trảng Bàng - Tây Ninh.
Khu vực 2: 500 ha hướng tây gồm: 250 ha xã Bình Lợi - huyện Bình Chánh; 250 ha huyện Đức Hoà - Long An.
Khu vực 3: 67 ha hướng tây nam thuộc xã Đa Phước, Củ Chi.
Khu vực 4: 100 ha hướng đông nam thuộc xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
Khu vực 5: 300 ha hướng đông - đông bắc thuộc huyện Long Thành - Đồng Nai.
Khu vực 6: 300 ha hướng tây - tây bắc thuộc huyện Tân Uyên - Bình Dương.
LÊ NGỌC KHANH