Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rau, củ, quả nhập khẩu: Ăn rồi mới biết chất lượng

(07:39:57 AM 17/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Theo Hải quan cửa khẩu Lào Cai, mỗi ngày cửa khẩu này nhập khoảng 300 tấn rau, củ, quả, ngày ít cũng phải 100 tấn, như bí, khoai tây, bắp cải, quýt, đào, táo...

Điều đáng nói là những mặt hàng trên được nhập và tiêu thụ xong tại thị trường mới có kết quả kiểm dịch, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Như vậy, người tiêu dùng chỉ được biết sản phẩm có chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng sau khi sử dụng(!?).

Theo Bộ NNPTNT từ tháng 7/2011, sau khi thực hiện luật ATVSTP, việc kiểm dịch đã được phân định rõ ràng, trước đây phần việc này thuộc Bộ Y tế, nhưng hiện nay mảng kiểm tra an toàn thực phẩm đối với rau, củ, quả thuộc quản lý của Bộ NNPTNT và giao cụ thể cho bên kiểm dịch cửa khẩu. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 8 Nguyễn Văn Tuân cho biết: Hiện phần kiểm dịch vẫn được thực hiện như cũ, còn phần ATVSTP ở cửa khẩu nhằm kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ của nguồn hàng trước khi nhập khẩu vào VN, nếu lô hàng nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng hoặc thuốc nằm ngoài danh mục sử dụng của VN hoặc các yếu tố về vi sinh vật, phía cơ quan quản lý của VN sẽ báo trở lại cho phía cơ quan quản lý của nước ngoài và từ đó, các DN sẽ biết được mình đang vi phạm và sẽ bị ngừng xuất khẩu vào VN.

Phân loại khoai tây nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai.    Ảnh: Đ.T
Phân loại khoai tây nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Đ.T

Hiện Chi cục Kiểm dịch vùng 8 đang thực hiện việc kiểm tra ngoại quan trước để xem hàng đó xuất phát từ đâu, cũng như bao bì, nhãn mác, thương hiệu truy xuất được nguồn gốc; đồng thời lấy mẫu để kiểm tra an toàn, theo tần suất trước tiên lấy 10% và chuyển mẫu đó về trung tâm kiểm dịch tại Hà Nội. Trong quá trình chuyển mẫu kiểm tra, lô hàng vẫn được thông quan và đơn vị xuất khẩu chỉ bị quản lý về mặt hồ sơ, sau 4 đến 5 ngày mới có kết quả kiểm tra, khi có thông tin về lô hàng bị nhiễm hoặc thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, lập tức trạm cửa khẩu có thông báo chính thức với DN nhập khẩu và từ lô hàng sau mới bị kiểm soát chặt còn lô hàng trước đã về rồi thì vẫn bán trên thị trường.

Theo như cách lý giải đó thì khi phát hiện lô hàng có dư lượng chất bảo vệ thực vật cao thì mọi chuyện đã rồi và người dân đã sử dụng, như vậy thì vẫn coi như đang bị thả nổi, vì từ đầu năm 2011 đến nay kiểm dịch vùng 8 mới phát hiện một vụ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng từ cà chua nhập khẩu.

Theo ông Vũ Quang Vĩnh - Chi cục phó Hải quan Lạng Sơn - thì hiện nay, VN đã trồng được nhiều mặt hàng rau có chất lượng, nên việc nhập hoa quả đang có dấu hiệu giảm; nhưng mỗi ngày, trung bình khoảng 300 tấn rau, củ, quả được nhập về. Những trường hợp không đủ điều kiện thì hải quan cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch buộc phải tái xuất. Việc kiểm soát cửa khẩu về nguồn gốc sản phẩm vẫn là theo hồ sơ và khai báo chứ chưa có chế tài để đảm bảo nội dung trên là chính xác, đây là khe hở của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề quản lý sản phẩm nhập khẩu.

Đặng Tiến (Lao động)