Quảng Ngãi hiện có 115 hồ chứa nước, trong đó có đến 30 hồ nằm trong diện nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Hầu hết các công trình này được xây dựng trong giai đoạn 1975-1985 bằng phương pháp thủ công. Nền, bờ kè, đập tràn… đắp bằng đất nên sau hơn 20 năm sử dụng đã bị bào mòn, sạt lở và xuống cấp nghiêm trọng, trong đó nhiều hồ đã bị nứt, vỡ.
Năm 1999, con đập của hồ chứa nước Phụng Hoàng ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn bị vỡ, đe dọa tính mạng hàng ngàn người dân. Mới đây, tại hai xã Đức Phú và Đức Hòa, huyện Mộ Đức, một trận lũ kinh hoàng đã xảy ra, nước lên nhanh đến mức người dân không kịp trở tay do 4 hồ chứa nước Lỗ Thùng, Hóc Sằm, Hóc Mít và Mạch Điểu đồng loạt xả lũ để tránh nguy cơ vỡ. Hơn 800 tấn lương thực, hàng ngàn con gia súc, gia cầm cùng hàng ngàn hecta hoa màu bị lũ nhấn chìm.
Hóc Mít, một trong 4 hồ chứa nước ởxã Đức Phú, huyện Mộ Đức - Quảng Ngãi là hiểm họa của hơn 8.000 người dân
Tai họa mà các hồ chứa nước ở Quảng Ngãi gây ra khó có thể kể hết, thiệt hại người dân phải gánh chịu. Tình trạng “cha chung không ai khóc” khiến hàng ngàn người luôn sống trong nơm nớp lo sợ. “Chúng tôi sống cả đời chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Vậy mà một trận lũ về hoặc đập vỡ thì bao nhiêu tài sản trôi ra biển hết” - ông Phạm Dân, ngụ xã Bình Tân, bức xúc.
Anh Huỳnh Tấn Hùng (ngụ thôn An Phong, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn) cho biết: “Sống ở hạ lưu hồ An Phong đang xuống cấp, gia đình tôi rất lo lắng. Mùa mưa lũ đến, đập có thể vỡ bất cứ lúc nào. Sống mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị lũ cuốn trôi thế này thì làm sao an cư được”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện tỉnh có 2 hồ chứa nước dung tích trên 10 triệu m3,13 hồ từ 1 đến 10 triệu m3. Trong đó, hồ Liệt Sơn với dung tích 28,6 triệu m3 nằm ở cao trình 37 m. Đợt mưa vào đầu tháng 11 vừa qua, mực nước trong hồ dâng cao vượt cao, trình 39 m, buộc đơn vị khai thác hồ phải xả lũ khiến vùng hạ du huyện Đức Phổ bị ngập nặng.
Hầu hết các công trình hồ chứa nước ở địa phương đều sạt lở mái thượng lưu, đập bị thấm, cống lấy nước mục nát… Trong đó, các hồ như Cây Khế, Đá Bàn, Hóc Mít, Lỗ Thùng, Hóc Mua… không còn bảo đảm an toàn, nguy cơ vỡ rất cao. Do thiếu kinh phí nên việc sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập chưa được chú trọng.
Ông Nguyễn Lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, lo ngại: “30 hồ chứa này khó có khả năng trụ được trước những cơn lũ khắc nghiệt. Khi lũ lớn, nước thấm làm mềm đất ở bờ đập, sau đó nếu gặp thủy lực lớn, công trình sẽ bị vỡ, lúc đó thiệt hại không thể nào lường hết”.
Thường xuyên cảnh giác
Ông Phan Văn Ơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ngãi, cho rằng khi mùa mưa lũ về, nhiều hồ có thể không chịu nổi áp lực nước quá lớn nên cần phải được tôn tạo, tu sửa càng sớm càng tốt. Theo ông Ơn, những công trình có dung tích trên 1 triệu m3, công trình đang hư hỏng cần phải cảnh giác thường xuyên để khi sự cố xảy ra có phương án ứng cứu kịp thời.
Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh đang khôi phục 7 hồ chứa nước vừa và nhỏ. “Với những hồ đang xuống cấp, chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị khai thác cần phải túc trực thường xuyên để phòng ngừa rủi ro; đồng thời Chính phủ cần hỗ trợ để tỉnh đầu tư xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người dân” - ông Văn nói.
|