Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khai thác thủy sản mùa lũ: Vơi đầy theo... biến đổi khí hậu

(15:14:57 PM 15/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Sau gần thập kỷ sống chung với lũ thấp, năm nay nhiều người dân vùng đầu nguồn ĐBSCL vui lên với nguồn lợi thủy sản mùa lũ tăng đột biến.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “cá nhiều” chỉ là câu chuyện nhất thời. Nhiều khả năng hình ảnh “trên cơm dưới cá” sẽ lùi vào quá khứ nếu ngay bây giờ chúng ta không quyết tâm  xây dựng hàng rào phòng vệ cho vùng ĐBSCL đã và đang đối mặt với nguy cơ kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên do những tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng...

Cá ít, mừng nhiều?

“Gặp ngày trúng, một đáy cá linh ở đây thu hoạch cả chục tấn. Trừ hết chi phí, lãi ròng cả chục triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Xương, Chủ tịch UBND xã đầu nguồn Phú Lộc (thị xã Tân Châu, An Giang) mở đầu câu chuyện mưu sinh mùa lũ 2011 một cách sảng khoái. Theo ông Xương, năm nay nước lũ còn hào phóng mang lại cho người nghèo niềm vui không nhỏ: Dù đánh bắt với bất kỳ phương thức nào (chài, câu, lưới, vó, đăng đó...) cũng đều có điểm chung: Ai cũng vui vì thu được nhiều cá hơn các năm gần đây.

Ở Đồng Tháp, mùa lũ năm nay cũng được xem là cơ hội để đội quân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản “ăn nên làm ra”. Trái với nhiều năm trước, phần lớn người chuyên đánh bắt cá mùa lũ ở huyện Tam Nông đều trông chờ vào nguồn cá tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (khai thác có kiểm soát), năm nay nhiều hộ đã “di dời” địa bàn hoạt động ra các tuyến kênh mương và cánh đồng ngập lũ để đánh bắt. Họ kiếm được khoản thu không nhỏ, thậm chí còn cao hơn so với lúc khai thác tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đặc biệt, mùa lũ năm nay tại nhiều địa phương còn làm sống lại nhiều nghề đánh bắt thủy sản tưởng chừng đã lùi vào quá khứ, như: Nghề soi cá lóc, soi ếch, câu tôm càng xanh... Tại vùng hạ lưu thuộc xã An Hòa (Châu Thành, An Giang), sau nhiều năm im hơi, mùa lũ năm nay những người chuyên soi cá lóc đã hành nghề trở lại với  hàng chục “chỉa thủ”. Dùng chỉa nhọn đâm cá, phương thức này không thu được số lượng lớn, nhưng bù lại cá rất có giá vì có nguồn gốc tự nhiên, thịt dai ngọt, thơm hơn nhiều so với cá lóc nuôi.

Tuy nhiên theo các lão làng trong nghề đánh bắt cá, lượng thủy sản trong tự nhiên năm nay không quá nhiều như nhiều nguồn tin đồn thổi; thậm chí là quá ít so với thời hoàng kim. Sở dĩ nhiều người làm nghề cá vui là  do cảm giác hưng phấn sau nhiều năm vắng bóng cá, tôm do lũ thấp. Đáng lo hơn là phần lớn lượng tôm, cá theo nước từ thượng nguồn đổ về mà có  nên yếu tố bền vững không cao. 

Đánh bắt dầy đặc kiểu này cũng trực tiếp làm nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên sụt giảm.
Đánh bắt dầy đặc kiểu này cũng trực tiếp làm nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên sụt giảm.

Hiểm nguy rình rập

Trái với cảm giác hào hứng của giới đánh bắt, năm nay lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh đầu nguồn (An Giang, Đồng Tháp...) thường xuyên “đau đầu” với nạn đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt: Dùng lưới cước, xiệc điện... đánh bắt cá từ lớn tới bé phục vụ mọi nhu cầu từ thức ăn của người đến thức ăn của vịt. Điều này dồn đẩy nguồn lợi thủy sản đang ở mức báo động... vào thế chân tường. Theo thống kê của ngành thủy sản An Giang, chỉ trong 9 năm (2001-2010), lượng thủy sản khai thác tự nhiên giảm đến 60%. Nguyên nhân chủ yếu do nạn khai thác cá, tôm bừa bãi theo kiểu tận diệt và diện tích đất ngập nước giảm dần, ảnh hưởng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Trong khi đó, các nhà khoa học lại cảnh báo, lượng thủy sản trong tự nhiên sẽ ngày càng khan hiếm nhanh hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng. Tuy nhiên trước mắt, thực tế này đã dồn đẩy dân đánh bắt chuyên nghiệp chạy sang bên kia biên giới thuê đồng đánh bắt cá và đối đối mặt với nhiều hiểm nguy: Bên cạnh nguy hiểm từ thời tiết của vị trí đầu sóng ngọn gió, còn có nhiều yếu tố nguy hiểm khác....

Chúng tôi về xã Phú Lộc (Tân Châu, An Giang) với hy vọng gặp Chín Kỳ (nhân vật trong phóng sự “Lênh đênh nghề thợ dớn” đăng trên Báo Lao Động)  - một trong những “đại gia” trong nghề khai thác cá mùa lũ để tìm hiểu cặn kẽ sự thật.... Thế nhưng, ngôi nhà một thời đầy tôm, lắm cá với nhiều người giúp việc giờ đã im ỉm đóng. Chị ruột Chín Kỳ sống gần đó cho biết: “Cá ít, chi phí và lệ phí quá nhiều. Thua lỗ nhiều năm qua đã ăn hết vốn liếng, nó bỏ xứ rồi. Nghe đâu lên miệt Bình Dương làm mướn”.

Sau 30 năm gắn bó với nghề, một “đại gia” đã phải bỏ xứ, bồng chống vợ con lang thang xứ người làm thuê nuôi thân. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, sau mùa lũ này nhiều người sẽ đổ vốn đầu tư để rồi trượt theo vết xe đổ của Chín Kỳ, đối mặt với phá sản. Nhưng điều đáng lo hơn là mối hiểm nguy còn hơn cả sự phá sản đã và đang chực chờ ập lên đầu người đánh bắt thủy sản bất cứ lúc nào: Sự cuồng nộ của thiên nhiên đã biến thời tiết thành vị hung thần. Ngày 31.8 hai mẹ con chị Tống Thị Út (SN 1965) ở ấp Phú Thuận (xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) trên đường trở về sau chuyến đánh bắt cá đồng giáp biên giới Campuchia đã vĩnh viễn ra đi sau trận mưa kèm dông to, sóng lớn... 2 mạng người ra đi, đó là tổn thất không gì bù đắp được. Nhưng trong căn nhà đầy tang tóc này đang cuộn lên nỗi đau lớn hơn cả cái chết: Cuộc sống cô quạnh của con gái (Tống Thị Hận, SN 1998) và người mẹ (83 tuổi) của chị Út.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết sẽ ngày càng nguy hiểm hơn, trực tiếp dồn đẩy nghề đánh bắt cá mùa lũ “đổi ngôi” từ no ấm sang hiểm nguy. Tình hình này sẽ ngày càng trầm trọng nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có những giải pháp thay thế thích ứng...

Lục Tùng (Lao động)