(Tin Môi Trường) - Tài nguyên thiên nhiên, trong đó tài nguyên khoáng sản được hình thành qua hàng triệu năm với quy luật địa chất thủy văn vô cùng phức tạp.
Một điểm khai thác khoáng sản- Ảnh minh họa
Tài nguyên khoáng sản phục vụ thiết thực cho sự sinh tồn của loài người. Nếu không biết giữ gìn, khai thác hợp lý sẽ dẫn tới cạn kiệt.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều chủng loại tài nguyên khoáng sản quý hiếm (thế giới đang rất hiếm và cần), nhưng tổng trữ lượng không phải là lớn. Với sức phát triển nhanh nóng của nền kinh tế trong nước và thế giới sẽ phải khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản lớn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, nếu có lơi lỏng việc khai thác tài nguyên khoáng sản thì đến năm 2050 Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều loại khoáng sản.
Cũng theo báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 5 năm qua, Bộ mới quyết định cấp trên 100 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản với quy trình thẩm định và đánh giá rất kỹ càng. Đây là giấy phép cấp quốc gia, nhưng với sự phân cấp quản lý hiện nay, tại các địa phương cả nước đã cấp tới gần 5.000 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản.
Như vậy đồng nghĩa với gần 5.000 công trường ngày đêm khai thác khoáng sản từ trong lòng đất, trên mặt đất, dưới lòng nước. Khai thác khoáng sản kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như phá vỡ cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường nặng nề, an toàn lao động, an ninh trật tự, nhất là tổn hao và lãng phí tài nguyên khoáng sản do không được quản lý chặt chẽ.
Khi bàn về vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản tại nghị trường Quốc hội, tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường đã thẳng nhắn cảnh báo, nếu không quản lý tốt, trong tương lai không xa, đất nước ta sẽ có nguy cơ lớn hết tài nguyên khoáng sản.
Có thể nói, việc phân cấp cho các địa phương có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản vẫn chủ yếu là khai thác, xuất khẩu ồ ạt quặng thô ra nước ngoài, gây bức xúc và lo lắng của cộng đồng.
Khoáng sản than là ví dụ. Hàng triệu tấn than được đưa nước ngoài qua đường tiểu ngạch, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Việt Nam vốn là quốc gia được thế giới biết đến khoáng sản than, nhưng mới đây đã chính thức nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu sản xuất.
Như vậy, không cần đến năm 2050 mới nhập khẩu khoáng sản mà ngay tại lúc này; gây lo lắng cho cộng đồng.
Nhiều chuyên gia so sánh, cấp phép khai thác khoáng sản dễ dàng như cấp phép xây dựng sân gold mất nhiều đất trồng lúa, đất bờ xôi ruộng mật như thời gian qua. Thế nhưng, sân gold dù sao cũng còn có thể cải tạo, phục hồi được, nhưng tài nguyên khoáng sản mất đi thì không bao giờ tái tạo được.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện nghiêm túc chính sách đóng cửa hoặc cấm việc khai thác tài nguyên khoáng sản để dành và chấp nhận mua nguyên liệu khoáng sản từ các nước khoáng sản với giá rất đăt đỏ.
Điển hình như Trung Quốc là nước lo xa nhất, họ dự tính đến năm 2050 nguồn tài nguyên khoáng sản của cả thế giới sẽ rất khan hiến vì bị khai thác không kế hoạch. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách thu mua khoáng sản của thế giới, tích trữ thành các mỏ nhân tạo. Đến khi thế giới không còn khoáng sản thì họ vẫn còn nguồn nguyên liệu khoáng sản để phục vụ sản xuất. Thậm chí Trung Quốc sẽ là quốc gia làm chủ về khoáng sản.
Còn đối với Ôxtraylia, đất nước rất giàu tài nguyên khoáng sản nhưng triệt để không khai thác mà tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ khai khoáng với các phần mềm, máy móc để chuyển giao cho các nước khác.
Với Nhật Bản, tuy không giàu có về khoáng sản nhưng lại chế tạo được các mặt hàng, công nghệ, linh kiện rất hiện đại và đắt đỏ có nguồn gốc từ nguyên liệu khoáng sản nhập khẩu, sau đó xuất bán sản phẩm đó ra nước ngoài thu lợi nhuận cao.
Luật Khoáng sản đã được Quốc hội ban hành; Luật Thuế tài nguyên đang trong quá trình dự thảo nhằm tăng cường quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên. Nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành nhưng thực trạng khai thác và lãng phí tài nguyên vẫn cứ tái diễn phức tạp.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương dừng cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản; đặc biệt là cấm xuất khẩu thô khoáng sản ra nước ngoài. Đây là một động thái tích cực nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Để đất nước có điều kiện phát triển bền vững, con cháu chúng ta có điều kiện và nguồn lực để xây dựng, bảo vệ đất nước, có lẽ từ bây giờ và chưa muộn, cần phải có một đạo luật thật chặt chẽ về quản lý tài nguyên; phải thay đổi tư duy quá phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản đi đôi với việc nghiên cứu phát triển công nghệ mới thay thế.