Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo khảo sát hiện nay, 75% các khu vực bị ngập ở TPHCM không phải do triều cường cao mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống thoát nước mưa chỉ đáp ứng lượng mưa 80mm (trong khoảng 3 giờ mưa liên tục).
Những năm gần đây, xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều giờ xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường vượt mức báo động 3 đã gây ngập nặng ở nhiều khu vực, nhất là các nơi có địa hình thấp hơn đỉnh triều. Bên cạnh đó, hiện tượng lún nền cũng đang diễn ra khiến tình trạng ngập càng trở lên phức tạp.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước thành phố) cho rằng, công việc cấp bách hiện nay là phải đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát nước cũ, xây dựng và đấu nối đồng bộ các tuyến cống, triển khai nạo vét kênh rạch. Lắp đặt gần 300 van ngăn triều ở vùng ven để hạn chế triều cường.
Trung tâm đang xây dựng cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giúp kiểm soát mực nước triều và nước mưa, giải quyết tình trạng ngập nước cho 500ha đất trũng trong tổng số 3.400ha tại các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Công trình sẽ giúp giải quyết gần một nửa số điểm ngập trong khu vực nội ô thành phố.
Từ nay đến cuối năm 2012, TPHCM sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, phát huy khả năng trữ nước của hệ thống kênh rạch, hồ nước và các khu vực thấp, trũng, làm tăng khả năng tiêu thoát cho hệ thống cống rãnh trong thành phố, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, tạo nền cho việc tiêu thoát nước mưa từ hệ thống kênh rạch.
Tình trạng cống thoát nước quá tải do sự gia tăng về cường độ mưa đã vượt tần suất tính toán trong thiết kế hệ thống thoát nước, các trận mưa có tổng lượng trên 85mm đã xuất hiện thường xuyên và có xu hướng tăng dần, trong khi chu kỳ tràn cống cho phép đang được áp dụng thuộc loại nhỏ, nếu không bổ sung các giải pháp công nghệ mới về quản lý nước mưa đô thị thích hợp thì các cống sẽ bị quá tải và gây ngập thường xuyên hơn, cho dù đã hoàn thành các dự án thoát nước lớn.
Cụ thể, vùng 1 toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, trong đó có khu vực nội thành cũ, khu vực phía Nam thành phố và một phần tỉnh Long An (bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông), chủ yếu là vùng đất canh tác và hoang hóa có nhu cầu về cải tạo đất mặn, phèn.
Vùng 2 bao gồm khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, là vùng đang phát triển, tình hình tiêu thoát nước thuận lợi hơn, do đó có thể bố trí công trình để chống ngập, tiêu nước.
Vùng 3, bao gồm toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp, hiện tại là vùng sinh quyển mở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước, quy mô lớn trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình, diễn biến nước biển dâng và quá trình phát triển đô thị phía Nam thành phố.
Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, sông Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông. Các cống chính là Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức, Kênh Xáng Lớn. Các cống này có nhiệm vụ khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, để không cao hơn mực nước cho phép theo yêu cầu, chủ động cắt đỉnh triều.
Tuyến kênh Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã được UBND TPHCM phê duyệt đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng tiêu thoát nước. Các “hồ điều tiết” bao gồm hệ thống ao, hồ, kênh rạch và một số khu vực đất trũng được cải tạo để có đủ dung tích dự phòng trữ lượng nước mưa tiêu ra từ trung tâm thành phố trong thời gian triều cường.
|