Nhiều người đến sông Nước Biếc để đào, đãi vàng
Dọc theo các con sông Nước Biếc, Hà Riềng, Trường (huyện Tây Trà - Quảng Ngãi) đã trở thành những khu vực tan hoang, hàng loạt khu đất vườn của người dân bỗng biến thành sông. Đó là hậu quả của những đợt đào đãi vàng trái phép trên các đoạn sông này.
Bỏ rẫy đi đãi vàng
Ôm khay đãi vàng trên tay, anh Hồ Văn Bình (thôn Tây, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) cho biết anh tham gia nhóm đãi vàng được 3 tuần. “Sau trận lũ hồi giữa tháng 10, người dân trong làng mình kháo nhau là dưới sông có nhiều vàng lắm nên mình và vợ theo họ ra đây đãi vàng” – anh Bình nói. Quanh xã Trà Thọ, hai con sông lớn là Nước Biếc và Hà Riềng luôn tấp nập những nhóm người “móc ruột” sông tìm vàng.
Tại đây, hàng chục người ngụp lặn, xúc đất cho vào khay lắc qua lắc lại khá thành thục. Người ướt sũng, dính đầy bùn đất, anh Hồ Văn Lâm (thôn Nước Biếc) than: “Làm nghề này cực lắm, cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đến 100.000 đồng là cùng. Người nào “trúng quả” thì được vài trăm ngàn đồng nhưng hiếm lắm”.
Tại khu vực thuộc xã Trà Thanh, nơi con sông Trường chảy qua, quang cảnh chẳng khác gì trên 2 con sông ở xã Trà Thọ. Hàng trăm người chia ra nhiều cụm nhỏ, đào bới lòng sông tìm vàng.
Dụng cụ đãi vàng chỉ đơn giản là những chiếc mâm hay nắp xoong. Người đãi vàng cứ cắm cúi múc đất cát dưới sông rồi đưa lên mâm đãi. Để có thêm thu nhập, nhiều em nhỏ đã bỏ học theo cha mẹ ra sông đãi vàng. Anh Hồ Thế Vinh, làng Môn, xã Trà Thanh, so sánh: “Hôm rồi, nghe nói có người trúng cả triệu đồng sau một ngày đãi vàng nên bà con ồ ạt tìm đến các con sông để “xí phần”. Giờ, cả làng đi đãi vàng. Muốn tìm người trong làng ra sông là gặp liền. Đi đãi vàng có tiền nhanh hơn đi rẫy, giờ người làng không ai đi rẫy nữa”.
Chỉ khoảng 500 m dọc sông Trường ở khu vực này luôn có gần 10 nhóm người tụm lại sàng đãi, cuốc, đào… “Trước đây, sông này nhỏ lắm nhưng mấy năm trở lại đây, cứ ngày một rộng ra. Nhiều người khai thác vàng giữa sông làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở ruộng vườn. Nhiều người còn đào cả bờ sông để tìm vàng, có rẫy rộng vài sào giờ đã thành sông” – bà Hồ Thị Nhung, xã Trà Thọ, bức xúc.
Nhiều người bị nạn
“Khi lũ đi qua, vàng cám thường lộ ra, lẫn lộn trong bùn đất” - anh Hồ Thanh Nhân, ở làng Môn, nói. Đãi vàng dọc sông Trường hầu hết là người dân tộc Cor. Chị Hồ Thị Út, làng Môn, vừa đãi vàng vừa nói: “Mỗi ngày, đào đãi cật lực, gia đình mình cũng kiếm được gần 100.000 đồng, không sợ đói”.
Tuy nhiên, bên cạnh họ luôn là những hiểm họa như bị sập hầm, lũ quét đổ về vì các sông ở huyện Tây Trà có độ dốc lớn. Đã có nhiều người bị lũ cuốn trôi trong khi đãi vàng. Trong lúc đào đất, đãi vàng tại điểm khai thác gần đèo Eo Tà Mõ, xã Trà Thanh, bà Hồ Thị Thi (làng Môn) trượt chân ngã xuống hố sâu, bị đất đá vùi lấp phải nằm liệt giường. Bà Thi nói trong đau đớn: “Lúc đó, đang đãi vàng, bất ngờ cả khối đất đổ xuống đầu, tôi bị lấp dưới hố sâu. May mà được bà con cứu sống, được nhìn thấy các con”.
Ở khu vực này, chuyện người bị đá lăn làm dập tay, chân trong lúc đãi vàng thường xảy ra. “Thấy nước chảy lờ đờ vậy đó nhưng khi lũ về, trong chốc lát, cả đoạn sông trở thành biển nước. Nước lũ chảy về ầm ầm, không dễ thoát thân đâu” - một người đãi vàng cho biết.
Theo thống kê của UBND xã Trà Thanh, trong 2 tuần qua, đã có ít nhất 5 người đãi vàng bị nước lũ cuốn trôi nhưng may mắn thoát chết nhờ bám được cây rừng ven sông.
Bà con liều mạng đi đãi vàng cũng vì miếng cơm, manh áo thôi. Vào mùa mưa lũ, người dân ở đây thường khó khăn. Chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ thêm cho bà con.
Ông Hồ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Tây Trà – Quảng Ngãi
|