(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Vùng biển, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang đối mặt với nguy cơ hủy diệt sinh vật, tài nguyên biển và sạt lở từ việc khai thác cát của các tàu nước ngoài trong vùng biển giáp ranh giữa VN và Campuchia.
|
Hai tàu mang số hiệu của Singapore khai thác cát trên vùng biển giáp ranh Việt Nam - Campuchia, gần Phú Quốc- Ảnh: Trung Cường |
|
Cát trên khoang tàu Pacific Princess - Ảnh: Tấn Thái |
Việc các tàu nước ngoài khai thác cát rầm rộ đã xảy ra một thời gian khá dài ở vùng biển giáp ranh giữa VN với Campuchia, gần Phú Quốc.
Hút cát ngày đêm
"Khai thác cát sẽ tạo những hố sâu dưới đáy biển và theo quy luật những vùng lân cận sẽ bị sạt cát, dịch chuyển để bù đắp cho đáy biển bằng phẳng lại"
Ông Nguyễn Hồng Cường (giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc)
|
Trong tháng 10 vừa qua, chúng tôi thuê ghe ra vùng biển này để tìm hiểu. Cách khu vực neo đậu tàu ở Gành Dầu - nơi chúng tôi xuất phát - khoảng 3 hải lý, có hai chiếc tàu lớn và một sà lan neo đậu trên biển. Quan sát khi tiếp cận tàu đầu tiên, chúng tôi thấy tàu dài khoảng 100m, bề ngang khoảng 20m. Tên con tàu là Pacific Princess 1 Singapore. Theo một thuyền viên tàu vận tải, ước tính trọng tải con tàu này khoảng 10.000 tấn, riêng tải trọng hàng khoảng 8.500 tấn.
Chúng tôi tiếp tục tiếp cận tàu thứ hai cách tàu Pacific Princess 1 gần một hải lý. Chiếc tàu này có trọng tải tương tự tàu Pacific Princess 1, mang tên Pacific Princess Singapore. Từ xa đã thấy cát vàng nhấp nhô hiện ra trên tàu. Tiếp đó, cách tàu Pacific Princess Singapore khoảng 1,5 hải lý là một sà lan chở cát. Từ xa đã thấy cát vàng vun đầy trên sà lan.
“Các tàu nước ngoài khai thác cát nằm ở vùng gần sát với vùng biển VN”, một cán bộ xã Gành Dầu thông tin. Ông này cho biết vùng biển Campuchia chủ yếu là bùn, nên các tàu có chiều hướng xích lại gần phía VN hơn.
Ngư dân Nguyễn Văn Nhân từng cung cấp nước cho các tàu nước ngoài trên cho biết các tàu này bắt đầu khai thác cát từ đầu năm. Có 3-4 chiếc tàu hút cát về bơm lên tàu lớn, tàu hút cát nhỏ bằng 1/3 tàu chở cát. “Họ hút cát sáng đêm, buổi tối nhìn ra biển đèn trên các tàu sáng rực, ống hút dữ dằn lắm”, anh Nhân nói.
Không chỉ tàu mang số hiệu của Singapore, trước đó cảnh sát biển Vùng 5 đã lập biên bản, xua đuổi ba tàu Trung Quốc chở cát xâm phạm trái phép vùng biển VN. Thiếu tá Trần Nguyên Lai - hải đội trưởng hải đội 401 - cho biết hồi đầu tháng 7, cảnh sát biển phát hiện ba tàu quốc tịch Trung Quốc số hiệu Yue-Doong Riang 688, 678, 168 có hải trình theo giấy phép là từ cảng Quy Nhơn về cảng Hạ Môn, Trung Quốc. Nhưng họ lại ngược ra vùng biển Phú Quốc, và khai rằng do có hợp đồng khai thác cát cho Campuchia nên hủy hải trình về Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát biển đã áp giải ba tàu trên ra khỏi vùng biển VN.
Đe dọa môi trường biển
Ngư dân Phạm Ngọc Phương cho biết các tàu hút, chở cát tới khu vực này hơn một năm. Theo một số ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ, từ khi có hiện tượng khai thác cát quy mô lớn này, sản lượng hải sản có giảm sút so với trước đây. Tuy nhiên, điều mà người dân lo lắng hơn cả là sự tác động đến môi trường. Bởi một khi ở ngoài khai thác cát quá nhiều thì cát trong bờ sẽ chảy ngược ra để bù đắp lại, gây nên tình trạng xâm thực bờ biển của đảo Phú Quốc.
Dấu hiệu bất thường ở bờ biển đã có khi hiện tượng cát giật ra ngoài năm nay xảy ra đột biến, chiều dài bãi cát bị thu hẹp nhiều, xảy ra hiện tượng xói mòn cát khiến các cây dương, dừa trốc gốc ngã đổ. Theo ông Phạm Hữu Kiệt - phó chủ tịch UBND xã Gành Dầu, kỳ họp HĐND xã lần 2 vào tháng 8, đại biểu HĐND xã Gành Dầu cũng đặt vấn đề trên và đề nghị có biện pháp xử lý. “Tuy nhiên vụ việc trên vượt ngoài tầm quản lý cấp xã. Chúng tôi báo cáo về cơ quan cấp trên xin hướng giải quyết” - ông Kiệt nói.
Ông Nguyễn Hồng Cường - giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc - lo ngại nguy cơ ảnh hưởng môi trường sinh thái từ việc khai thác cát trên là có thật. Theo ông Cường, khu vực bắc đảo thuộc địa phận xã Gành Dầu dù không nằm trong khu vực bảo tồn biển nhưng nơi đây cũng có nhiều rạn san hô (khoảng 32,2ha), thảm cỏ biển, thủy hải sản khu vực này khá phong phú. Vì vậy khi khai thác cát làm cho những lớp trầm tích dưới biển bị khuấy động lên và theo dòng chảy sẽ lan ra xung quanh, phủ lấp các rạn san hô, thảm cỏ biển.
Nếu mức độ nhiều sẽ làm san hô, cỏ biển chết dần. “Khai thác cát sẽ tạo những hố sâu dưới đáy biển và theo quy luật những vùng lân cận sẽ bị sạt chuồi cát, dịch chuyển để bù đắp cho đáy biển bằng phẳng lại” - ông Cường nói. Ban quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc đang tập hợp thông tin báo cáo về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Phú Nam - nguyên trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường H.Phú Quốc - cũng tỏ ra lo ngại những ảnh hưởng từ việc khai thác cát như ông Cường phân tích. Ông Nam còn lo lắng thêm rằng chân cát ở các bờ biển Phú Quốc không vững, cát trôi dần, bị xâm thực khiến hàng cây chắn gió khó đứng vững. Trước đây ở khu vực bờ biển xã Cửa Cạn, do hiện tượng hút cát trước đó (do các doanh nghiệp VN thực hiện) đã làm môi trường khu vực này hiện nay bị thay đổi nghiêm trọng.
Các cơ quan hữu quan đang xác minh
Bộ Tài nguyên và môi trường đã vào cuộc để xác minh vụ tàu nước ngoài khai thác cát ở vùng biển giáp ranh này. Ngoài ra, kết quả xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cho thấy việc khai thác cát ở vùng biển giáp ranh trên dẫn đến cát trôi chảy theo dòng lưu nước gây ra tình trạng bãi biển Chuồng Vít, bãi biển Bãi Dài (xã Gành Dầu) bị sạt lở. Đồng thời việc khai thác cát phát ra tiếng ồn và độ rung ảnh hưởng đến môi trường sống của một số loài thủy sản.
Còn kết quả xác minh của đồn biên phòng 754 Gành Dầu cho thấy việc khai thác do phía Campuchia hợp đồng thuê mướn tàu khai thác cát bán qua Singapore.
Hiện Tổng cục Biển và hải đảo VN đã có báo cáo tình hình cho lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường.
|