Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa Thắc mắc của bà Liên được luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) thì hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Về lãi suất vay, Khoản 1 Điều 476 BLDS quy định, lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay Nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 474 BLDS. Cụ thể, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân cấp huyện Trường hợp của bà Liên cho vay từ 15/11/2010. Thời hạn vay 6 tháng, bên vay phải trả nợ vào ngày 15/5/2011 nhưng bên vay không trả nợ gốc và lãi, bên cho vay đòi nhưng bên vay không trả. Thời điểm phát sinh tranh chấp, quyền và lợi ích của bên cho vay bị xâm phạm là ngày 15/5/2011. Đây là tranh chấp hợp đồng dân sự, theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 và Điểm a, Khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện. Theo Điều 427 BLDS và Điều 159 BLTTDS, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm. Như vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án đòi nợ tiền vay của bà Liên được tính từ ngày 15/5/2011 đến ngày 15/5/2013. Trong thời hạn này bà Liên có quyền khởi kiện bên vay ra Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi người vay cư trú) để được giải quyết. Các tài liệu có giá trị chứng minh cần thiết gửi kèm theo đơn khởi kiện là giấy biên nhận vay tiền hoặc giấy xác nhận nợ có nội dung xác nhận sự kiện vay. Quyền lợi của bên cho vay Khi giải quyết vụ án, bên cạnh việc buộc bên vay phải trả đủ tiền nợ gốc cho bà Liên, về nguyên tắc Tòa án còn buộc bên vay phải trả lãi suất theo hướng dẫn tại Mục 4, Phần I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính như sau : - Tính lãi vay trong hạn: Lãi trong hạn không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay. Thời điểm khi bà Liên cho vay lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo Quyết định số 2619/QĐ-NHNN áp dụng từ 5/11/2010 là 9%/năm. Mức lãi suất cao nhất cho phép trong các giao dịch là 150% tức là 13,5%/năm. Việc bà Liên cho vay với lãi suất 22%/năm tại thời điểm 15/11/2010 là vượt mức lãi suất quy định tại Khoản 1 Điều 476 BLDS. Do vậy, Tòa án chỉ buộc bên vay phải trả cho bà Liên tiền lãi trong hạn từ 15/11/2010 đến 15/5/2011 là 13,5%/năm. - Tính lãi quá hạn: Đối với hợp đồng vay có thời hạn thì thời gian tính lãi nợ quá hạn kể từ khi hết hạn vay. Lãi nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố ở thời điểm xét xử sơ thẩm, với thời gian tính lãi từ khi nợ quá hạn đến khi xét xử sơ thẩm (tính một mức lãi suất này cho cả thời gian từ khi quá hạn đến khi xét xử sơ thẩm). Thời gian bà Liên được tính lãi nợ quá hạn từ ngày 15/5/2011 đến khi xét xử sơ thẩm, với lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố ở thời điểm xét xử sơ thẩm. ..................................................................................................... * Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.