(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian gần đây tình hình khiếu kiện đối với lĩnh vực môi trường đang có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ khiếu kiện có sự tham gia của số đông người dân; nhiều đơn thư có chữ ký tập thể.
Theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Khiếu kiện môi trường sẽ gia tăng - Ảnh minh họa
Hiện nước ta có khoảng trên 260 KKT, KCN, KCX; có đến hàng trăm khu, cụm, điểm công nghiệp. KCN, KCX có mặt hầu khắp các tỉnh thành cả nước; hơn 4.500 làng nghề, làng nghề truyền thống và các hình thức sản xuất kinh doanh khác; hiện đến hàng chục nghìn doanh nghiệp đang ngày đêm sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức, áp lực vô cùng lớn đối với việc BVMT; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đất nước.
Kết quả công bố thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT mới đây cho biết, hiện có đến trên 40% KCN, KCX trên cả nước vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày, KCN, KCX, khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí, chất thải độc hại khác; hàng chục vạn m3 nước thải.
Hoạt động sản xuất kinh doanh lớn nhỏ hầu như chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến môi trường. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội hiện nay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành đã tổ chức triển khai 1.260 lượt thanh, tra kiểm đối với công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, với sức nóng của quá trình phát triển, của hoạt động sản xuất kinh doanh thì thanh tra, kiểm tra chưa thể phát huy hiệu quả vì lợi ích kinh tế luôn được đặt hàng đầu, lợi nhuận thu lớn từ việc trốn tránh trách nhiệm khắc phục hậu quả môi trường.
Một trong những nguyên nhân làm cho khiếu kiện xung đột gia tăng, cơ quan thực thi pháp luật chưa nghiêm túc với các doanh nghiệp, tổ chức gây ô nhiễm dẫn đến sự bức xúc người dân. Sự hiểu biết về kiến thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, trong khi ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng, gia tăng về cường độ và quy mô đã ảnh hưởng xấu và trực tiếp đến đời sống, sức khỏe, môi trường sống của họ là nguyên nhân khởi kiện.
Hiện nay, mức phạt hành chính tối đa là 500 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm và có thể khởi tố hình sự nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các điều khoản của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, xử lý hình sự đối với tội phạm môi trường theo Chương XVII của Bộ luật Hình sự đến nay vẫn chưa có một cá nhân nào bị xử lý hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đối với tổ chức, cá nhân mới áp dụng là phạt hành chính.
Doanh nghiệp luôn lấy lợi nhuận hàng đầu; nhưng luôn cố tình vi phạm, dùng các thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường như xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được nguỵ trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện. Người ta đã từng đánh giá, doanh nghiệp như một pháo đài xâm phạm, nghĩa là bên trong cứ sản xuất, xả rác thải, khí thải ra ngoài tự nhiên; nhà nước khó có biện pháp kiểm tra giám sát chặt chẽ. Hậu quả là người dân chung quanh khu vực KCN, KCX hoặc làng nghề phải gánh chịu.
Mấy năm trước, người dân hoan hỷ khi nhà nước có chủ trương xây dựng nhà máy đặt tại địa phương. Ngược lại, hiện nay người dân lại ra sức phản đối việc chính quyền phê duyệt xây dựng nhà máy tại địa bàn. Người dân cho rằng, dân mất đất canh tác; phá vỡ nếp sinh hoạt truyền thống; phá vỡ cảnh quan tự nhiên và sự đa dạng sinh học, ảnh hưởng an ninh trật tự và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường.Kiếu kiện là điều tất yếu xảy ra.
Đây là dấu hiệu để các cơ quan chức năng cần xem xét về khả năng quản lý môi trường? Nếu không có giải pháp chiến lược và kịp thời, nước ta sẽ là quốc gia phải trả giá đắt về môi trường sau chuỗi dài quan tâm phát triển kinh tế.