Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các hoạt động tại festival lần này, đặc biệt là hội chợ, hội thảo, triển lãm, xúc tiến thương mại, không chỉ tôn vinh nông dân trồng lúa và những người góp phần tạo ra sản phẩm lúa gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng - xuất khẩu, mà còn nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm giải pháp nâng cao giá trị gạo Việt, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Tổ chức festival - cho biết, festival lần này là ngày hội tôn vinh những người làm ra hạt gạo VN, đặc biệt là bà con nông dân. Các hoạt động tại festival còn nhằm tìm giải pháp xây dựng nền nông nghiệp VN hiện đại, phát triển bền vững; đồng thời nâng cao chuỗi giá trị gạo Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Trước tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các bộ - ngành, các địa phương cần có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tăng cường hợp tác, liên kết theo mô hình cánh đồng mẫu lớn...
Một mô hình giới thiệu lúa gạo Việt Nam tại festival. Ảnh: Dương Thu |
Quả vậy, Festival Lúa gạo VN lần thứ II là cơ hội để DN các nước hiểu rõ hơn về sản phẩm lúa gạo của VN, là cơ hội để quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh - XK gạo tiếp cận khách hàng, gắn kết với nông dân, các nhà khoa học, nhà quản lý... để cùng nhau xác định định hướng, tìm giải pháp phát triển bền vững. Qua 21 năm tham gia thị trường XK gạo, VN đã XK 76,6 triệu tấn gạo với kim ngạch 21,5 tỉ USD, trở thành quốc gia XK gạo đứng thứ hai trên thế giới.
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở VN vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo. Đó là xử lý sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu, là áp lực cạnh tranh từ các “đối thủ” xuất khẩu gạo giá rẻ, là giải pháp tạo nên giá trị gia tăng từ hạt gạo... Các vấn đề này, tại các cuộc hội thảo diễn ra trong khuôn khổ festival lần này (“VN - con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”, “Định vị thương hiệu lúa gạo VN - Gạo VN: Ai bán, ai mua”...), các nhà quản lý, các nhà khoa học, các vị khách quốc tế... đã phân tích, đánh giá, đóng góp, gợi mở với nhiều ý kiến thiết thực.
Trong 4 ngày diễn ra festival, người dân từ nhiều địa phương đổ về TP.Sóc Trăng đã thể hiện sự thích thú với những sự kiện diễn ra tại đây. Đó là khu hội chợ - triển lãm với khoảng 1.000 gian hàng, trong đó có các khu liên quan tới sản xuất nông nghiệp: “Mô hình phát triển cây lúa VN qua các thời kỳ”, “Tái hiện mô hình nông cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang tới thời hiện đại”. Đặc biệt, “Con đường lúa gạo VN” dài khoảng 1.500m với 47.000 chậu cây lúa trưng bày trên các dải phân cách gây ấn tượng, thu hút khách tham quan đến với festival.
Tham quan các khu triển lãm, tham gia hội thi “Nông dân sản xuất giỏi”, nông dân Võ Văn Sâm đến từ Vĩnh Long cho biết, ngoài mục tiêu tham quan, mua sắm, ông còn muốn biết các nhà quản lý, các nhà khoa học định hướng như thế nào cho sự phát triển của cây lúa vì cây lúa gắn bó với cuộc sống của bà con nông dân ĐBSCL.
Tại festival lần này còn diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng (đua ghe ngo; các cuộc hội thi: “Gạo ngon thương hiệu Việt”, “Người đẹp miệt vườn”, đâm cốm dẹp, sân khấu nghệ thuật 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa...). Fesitival Lúa gạo VN lần thứ II khép lại với chương trình bế mạc mang chủ đề “Lúa gạo VN ra thị trường thế giới”: Biểu diễn nghệ thuật, tôn vinh “Nông dân sáng tạo”, trao Cúp vàng “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín ngành hàng lúa gạo VN”... Với những gì diễn ra sôi nổi, thiết thực xoay quanh trọng tâm chuyện sản xuất - kinh doanh - xuất khẩu lúa gạo VN, hy vọng sau festival, “con đường lúa gạo VN” sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.