(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Cánh đồng đỉa, nỗi ám ảnh của người dân xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn - TPHCM
Cánh đồng bỏ hoang tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn - TPHCM rộng hơn 3.000 m2 cách đây không lâu vốn là ruộng rau muống xanh ngát, người dân địa phương thường ra hóng mát, câu cá… Thế nhưng, khoảng một năm nay, dù rau muống vẫn còn đầy đồng nhưng không ai dám hái bởi vừa thọc chân xuống là đỉa trâu đã bu đen chân.
Khi chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Hai, nhà cách ruộng rau muống hơn 20 m, đang tất tả đi tìm đứa cháu ngoại. Phát hiện cậu bé đang lúi húi thả chiếc thuyền giấy xuống vũng nước đọng cạnh nhà, bà vừa quát cháu không được vọc nước vừa quay sang chúng tôi giải thích: “Đỉa ở đây nhiều kinh khủng, sơ hở là bu đầy người. Mấy hôm nay trời mưa lớn, nước dưới ruộng tràn lên đường, đỉa theo đó bơi tứ tung”.
Cánh đồng đỉa, nỗi ám ảnh của người dân xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn - TPHCM
Dưới ruộng rau muống, nước ngấp nghé ngang đường. Chị Tư, ngụ gần nhà bà Hai, cho biết: “Mới đây, khi nước rút, trước sân nhà tôi còn sót lại hàng chục con đỉa. Tôi phải bỏ muối để giết chúng”. Theo chị Tư ra ruộng rau muống, chúng tôi thử lấy một cành cây khuấy xuống nước thì ngay lập tức, hơn chục con đỉa liền phóng tới vun vút. Khi chúng tôi rút cành cây lên, vài con đỉa đã bám chặt vào, không chịu nhả. “Vũng nước này cách “lò đỉa” gần 40 m mà còn vậy, khu gần đó còn kinh khủng hơn” - chị Tư lo lắng.
Men theo con đường cập bên hông cánh đồng rau muống, chúng tôi ghé vào một số nhà dân. Nghe nói đến đỉa, ai cũng lắc đầu, lè lưỡi: “Ghê lắm! Mới đây, một người ở nơi khác đến cánh đồng này câu cá. Thấy rau muống tươi tốt, ông ta lội xuống hái. Lát sau nghe ngứa ngáy, ông ta vội lên bờ thì hai chân đã bị cả chục con đỉa bu kín. Gần đây trời thường mưa lớn, nước ngập cả khu dân cư, người ta khai thông ruộng rau muống với cống thoát nước nên đỉa tỏa đi khắp nơi. Mỗi lần nói tới cánh đồng đỉa này là chúng tôi cứ nổi da gà vì bị ám ảnh” - ông Thanh, nhà ở ấp Chánh 2, lo ngại.
Theo người dân địa phương, đỉa xuất hiện nhiều bất thường ở cánh đồng rau muống xuất phát từ vựa thu mua Kim Anh nằm cạnh đó. “Lò đỉa” này bắt đầu hoạt động cách đây hơn một năm, mỗi ngày thu gom hàng trăm ký đỉa từ mối lái khắp nơi đem đến, nhiều nhất là Tây Ninh, để xuất sang Trung Quốc. Mỗi ký đỉa sống được vựa này thu mua 80.000 - 150.000 đồng. “Người của vựa sẽ phân loại, đóng bao, cấp đông rồi xuất sang Trung Quốc. Khi sơ chế, những con đỉa yếu, không đạt yêu cầu bị vứt ra ruộng. Vì vậy, đỉa cứ sinh sôi phát triển nhiều vô kể ở đây” - một người dân lý giải.
Cách nay khoảng một tháng, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ vựa thu mua đỉa Kim Anh phải đóng cửa. Sáng 9/11, trong vai người bỏ mối đỉa, chúng tôi ghé nhà bà Kim Anh thì chồng bà e dè: “Ngưng hết rồi… Thương lái Trung Quốc không lấy hàng nữa”. Chúng tôi dọ hỏi có biết nơi nào thu mua đỉa thì chỉ giúp nhưng ông ta lắc đầu với ánh nhìn đầy cảnh giác.
Nhiều người dân địa phương khẳng định trước khi đóng cửa vựa thu mua đỉa, người nhà bà Kim Anh đã thuê xe tải chở “hàng” đến phường Tân Tạo, quận Bình Tân - TPHCM. “Chúng tôi không rõ bà Kim Anh đã thực sự ngưng thu mua đỉa chưa, hay chỉ chuyển sang nơi khác. Dù “lò đỉa” đã ngừng hoạt động nhưng người dân địa phương vẫn sống trong nỗi ám ảnh, lo âu bởi xung quanh, đỉa ngày càng nhiều” - ông Thanh bức xúc.
Ảnh hưởng hệ sinh thái
Theo các nhà khoa học, đỉa có thể trị một số chứng bệnh như bế kinh, huyết ứ, máu tụ sau khi sinh, tắc động mạch vành... Tuy nhiên, đỉa là loài sống ngoại ký sinh, thức ăn chính là máu các loài động vật. Vì vậy, việc đỉa phát tán trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái bởi chúng có thể sản sinh và phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống mãnh liệt.
|