- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Đúng là thủy điện còn nhiều bất cập, vì thế cần phải tính toán giải pháp phù hợp, nhất là liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước đối với hồ chứa. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được Quốc hội (QH) thảo luận đã làm rõ thêm trách nhiệm quản lý các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Tuy nhiên, để hạn chế mặt trái của thủy điện, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm để điều chỉnh.
Về quản lý xả nước của hồ chứa là rất khó khăn vì có tính hai mặt: Lượng nước chứa trong hồ để phục vụ sản xuất điện và xả lũ đón đầu - cái gì chúng ta cũng muốn là không thể. Hiện quy trình xả lũ ở nhiều hồ chứa đã có, vấn đề là làm đúng và kiểm soát chặt tình hình. Trong thực tế, nơi này, nơi khác có nảy sinh một số vấn đề bất cập nên các địa phương và ngành chức năng phải theo sát chủ đầu tư, liên tục kiểm tra, đặc biệt vào mùa mưa.
* Quy trình xả lũ yêu cầu chủ đầu tư thủy điện chỉ thông báo việc xả lũ trước 2 giờ là thời gian quá ngắn để người dân di chuyển, sơ tán?
- Vấn đề này cũng liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT). Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, Bộ TN-MT sẽ tiếp thu và xem xét, nghiên cứu để có đề nghị chỉnh sửa những điều bất hợp lý.
* Thủy điện đã dày đặc. Mới đây, người dân và giới khoa học cũng như Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã đề nghị xem xét hoặc bỏ việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Theo ông, có nên tạm dừng xây thủy điện?
- Một số thủy điện có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không đạt yêu cầu, Bộ TN-MT dứt khoát bác bỏ, yêu cầu làm lại như Đồng Nai 6 và 6A. Trách nhiệm ở đây thuộc Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Cá nhân tôi cho rằng vừa qua, chúng ta quá ưu tiên cho thủy điện nên đã mở ra mà chưa đặt nặng các hệ lụy có thể xảy ra.
* Dự luật tài nguyên nước không quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm trầm trọng thêm lũ lụt khi quyết định xả lũ, gây thiệt hại cho người dân. Thưa ông, có cần bổ sung điều khoản quy định trách nhiệm này?
- Theo tôi, nội dung đó trong luật khác đã có điều chỉnh rồi. Tuy nhiên, là cơ quan được giao xây dựng nội dung dự luật, Bộ TN-MT tiếp thu ý kiến này để bàn tiếp.
* Theo ông, chủ đầu tư dự án thủy điện có phải bồi thường không, nếu xác định lý do làm lũ nghiêm trọng thêm là do chủ quan?
- Cái đó là đương nhiên. Chúng ta phải quy định điều này và đây là việc cần thiết để ngăn chặn lũ lụt do nhân tai.
Cần có Luật Thủy lợi
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH TP Hải Phòng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 không đặt việc xây dựng Luật Thủy lợi lên hàng ưu tiên là rất đáng tiếc vì luật này rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; thiên tai, bão lũ bất thường và thủy điện thì mọc lên khắp nơi.
Ông Vinh phân tích: Luật Thủy lợi sẽ chế tài hóa các quy định về vận hành hồ chứa, xả lũ, xử lý vi phạm chủ hồ chứa và các bên liên quan khi làm lũ trầm trọng thêm. Ông Vinh kiến nghị các bộ, ngành chức năng sớm rà soát hệ thống thủy điện trên cả nước để có cái nhìn tổng thể. Dự án thủy điện nào chưa xây dựng nhưng có vấn đề về báo cáo đánh giá tác động môi trường, chiếm dụng rừng đặc dụng, công suất nhỏ quá, năng lực tài chính chủ đầu tư có hạn… thì yêu cầu dừng hẳn.
|