Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hàng trăm ngàn tấn quặng titan biến đi đâu?

(08:20:40 AM 10/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Ồ ạt khai thác quặng titan, các doanh nghiệp không đầu tư chế biến sâu, mà chỉ đầu tư các dây chuyền tách, tinh tuyển quặng titan rồi xuất khẩu. Hiện tại, toàn bộ số quặng khai thác được đều xuất bán ra nước ngoài, trong đó có không ít trường hợp xuất lậu.

 

Bao nhiêu quặng titan đã được khai thác?

Theo thống kê, tại Bình Thuận hiện có 11 DN mới được cấp phép khai thác, còn phép khai thác titan và 6 DN có NM tách tuyển tinh quặng Ilmilit-Zircon. 

Quyết định số 104/2007/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025, đã nêu rõ là phải tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan một cách đồng bộ, đến chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; giảm dần và dừng xuất khẩu quặng tinh vào thời gian thích hợp gần nhất...

Theo Phó GĐ Sở TNMT Bình Thuận Trần Văn Tám, đến nay vẫn chưa có DN nào đầu tư dây chuyền chế biến sâu. Chủ yếu chỉ đầu tư NM bóc tách quặng titan thành quặng tinh, quặng tuyển Ilmilit-Zircon phù hợp với tiêu chuẩn để xuất khẩu. Theo bảng danh sách các đơn vị khai thác, thu hồi khoáng sản titan do Sở TNMT cung cấp, riêng DA khu mỏ tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam của Cty Tân Quang Cường được cấp phép khai thác từ tháng 3.2009, trên diện tích 36ha, sản lượng khai thác năm đầu tiên đạt 10.990 tấn; năm 2010 là 7.413 tấn và chín tháng đầu năm 2011 là 4.956 tấn. 

Còn DA khai thác tại KCN Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân mới chỉ đưa vào khai thác hồi đầu năm 2011 và đã được sản lượng 1.031 tấn. Vậy mà ông Phạm Tiến Cường - Phó GĐ Cty TNHH TM Tân Quang Cường - lại khẳng định: “Mỗi năm, DN xuất khẩu khoảng 14.000 đến 15.000 tấn quặng. Riêng từ đầu năm đến nay, DN đã xuất khoảng 14.000 tấn”. 

Cũng theo ông Cường, đầu năm 2010 Cty mua thêm của các đơn vị khác khoảng 3.000 tấn. Nhìn vào đây có thể nhận biết ngay số lượng quặng titan “vênh” nhau mỗi năm lên đến hàng chục nghìn tấn. Còn ở Cty CP du lịch Sài Gòn-Hàm Tân, tháng 7.2009 được cấp giấy phép tận thu quặng titan có thời hạn 36 tháng tại DA du lịch nằm trên xã Tân Bình, thị xã La Gi, với trữ lượng 20.244 tấn. Đến thời điểm này, Cty đã khai thác hơn 24.000 tấn. 

Có xuất lậu titan?


Theo tìm hiểu, lượng quặng titan khai thác tại Bình Thuận được bán ra ngoài tỉnh và xuất đi nước ngoài, hầu hết là Trung Quốc. Hai điểm tập trung “hàng” trước khi xuất bán là cảng Cát Lở (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng Ba Ngòi (Khánh Hòa). Theo thống kê tàu chở quặng titan tại cảng Cát Lở đi nội địa và nước ngoài từ  1.1.2010 đến hết 31.8.2011, đã có 50 chuyến tàu vận chuyển 61.248 tấn quặng titan. Trong đó, chỉ có 10.670 tấn được khai báo xuất sang Trung Quốc. Còn lại 50.578 tấn thì xuất nội địa và nơi đến chủ yếu là Quảng Ninh, Hải Phòng... 

Tại các kho cảng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ trong tháng 5, cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 3.595 tấn quặng titan rời không rõ nguồn gốc. Tại cảng Ba Ngòi, từ đầu năm đến hết tháng 9.2011, đã có hơn 50.500 tấn quặng titan được xuất qua cảng. Trong đó, chỉ có 10.173 tấn được làm thủ tục xuất khẩu ra nước ngoài, số còn lại đều được xuất nội địa. 

Với một lượng lớn quặng titan được bốc xếp và vận chuyển qua cảng, nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư cảng Ba Ngòi lại quả quyết: “Cảng chỉ nắm về khối lượng tổng thể hàng chứ không hề biết đến việc nguồn hàng này của ai, xuất đi đâu”. Liên hệ với ông Phạm Hữu Tấn - Tổng GĐ cảng Ba Ngòi - ông Tấn không cung cấp tên DN đã vận chuyển quặng titan qua cảng với lý do “ảnh hưởng đến đối tác làm ăn với cảng”.      

Theo Lao động