Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những lò gạch ở làng Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ nhả khói chứa khí thải độc chứa cacbon - Ảnh: Châu Anh |
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7-11, có đại biểu Quốc hội ví tình trạng ô nhiễm ở một số nơi giống như bom nguyên tử, có quả đã nổ và có nhiều quả chưa nổ.
Xử lý không nghiêm
Theo báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày, hiện cả nước có hơn 3.200 làng nghề, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động. Tại các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ... hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quy chuẩn VN hàng chục lần. Đặc biệt có nơi nước thải có hàm lượng nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD) vượt trên 200 lần.
Tại các làng nghề mạ, tái chế kim loại, tình trạng ô nhiễm kim loại nặng độc hại, muối thủy ngân xyanua, oxit kim loại, dầu thải và các tạp chất khác vượt quy chuẩn VN 1,5-10 lần. Có những làng nghề đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành. “Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc” - ông Dũng nói.
Trong 15 khu kinh tế ven biển được giám sát, một số chỉ mới đi vào hoạt động, có khu vẫn trong giai đoạn quy hoạch hoặc san lấp mặt bằng. Tuy vậy, ô nhiễm chất hữu cơ cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn cho phép, ô nhiễm dầu mỡ cao hơn 4-6 lần. Nhiều cơ sở thường xả nước thải chưa xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ ra môi trường; ở một số cơ sở hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới. Mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp so với chi phí mà doanh nghiệp cần bỏ ra để đầu tư hệ thống xử lý, chi phí vận hành hệ thống hoặc kinh phí khắc phục ô nhiễm môi trường. “Nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý môi trường sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn” - báo cáo viết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng một nguyên nhân được nhiều đại biểu cùng đề cập là các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm không nghiêm. “Nhiều doanh nghiệp xả thải ra môi trường làm cá chết, cây chết, người dân khó thở, vậy mà khi dư luận, báo chí nêu thì cơ quan chức năng đem máy móc đến kiểm tra một hồi sau đó kết luận vẫn trong giới hạn cho phép” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói.
So sánh trường hợp Thừa Thiên - Huế xử lý được một số làng nghề ô nhiễm còn Hà Nội có làng Dương Liễu đề cập mãi mà chưa xử lý được, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng pháp luật như nhau mà kết quả khác nhau là do thiếu kiên quyết.
“Bom nguyên tử”
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) ví mỗi làng nghề, mỗi khu kinh tế bị ô nhiễm “giống như quả bom nguyên tử, có quả nổ rồi, có quả chưa nổ” mà “xử lý hậu quả còn khó khăn và tốn kém hơn cả chất độc dioxin”.
Chi thêm tiền cho công tác bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp được đề nghị. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh, với số vốn đầu tư cho khu kinh tế mỗi năm 50-70 tỉ đồng tập trung cho hạ tầng còn khó khăn, lấy đâu ra tiền đầu tư xử lý môi trường. Vì vậy cần xã hội hóa trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, vốn, thuế... nếu họ đầu tư vào xử lý môi trường.
“Đầu tư cho môi trường hôm nay là lo cho sức khỏe ngày mai. Cần nâng mức chi phí cho môi trường lên 2% tổng chi ngân sách (thay vì 1% như hiện nay)” - ông Thanh kiến nghị. Ông Nguyễn Anh Sơn cũng cho rằng “bây giờ chi thêm 1% còn hơn sau này chi nhiều phần trăm cũng chưa khắc phục được”.
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề nghị “kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị cố tình vi phạm, tái phạm pháp luật về môi trường. Chỉ cho phép khu kinh tế, khu công nghiệp đi vào hoạt động khi đã hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đề xuất “phải lấy tiêu chuẩn công nghệ làm điều kiện tiên quyết, bắt buộc các doanh nghiệp khi đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quy định về môi trường, thông tin rộng rãi danh tính các đơn vị vi phạm”.
Dù đặt ra nhiều vấn đề nhưng phiên thảo luận kết thúc sớm khoảng 30 phút so với dự kiến. Không có thành viên Chính phủ nào tham gia thảo luận và giải trình trong suốt phiên giám sát.
Dự kiến ngày 26/11 Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về cuộc giám sát này.
Thanh tra môi trường phụ thuộc vào... Bộ Tài chính
Theo dõi buổi thảo luận tại Quốc hội về ô nhiễm làng nghề, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến thổ lộ việc thanh tra khó vì cơ chế và còn phụ thuộc tiền của Bộ Tài chính. Ông Tuyến nói:
- Hằng năm bộ chúng tôi vẫn có kế hoạch thanh tra các khu công nghiệp trên cả nước. Phải nói rất thật là có kiểm tra nhiều hay không còn phụ thuộc vào... Bộ Tài chính. Vì muốn đi thanh tra, kiểm tra phải có tiền tàu xe, tiền khách sạn và các chi phí khác. Trong khi đó, việc cấp ngân sách lại phụ thuộc Bộ Tài chính. Mà chi cho các nhiệm vụ của các bộ ngành thời gian qua ai cũng biết là chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ năm 2008 đến nay chúng tôi đã thanh tra được hơn 1.600 địa điểm chứ không ít đâu.
* Nhưng có thực tế hầu hết các vụ việc vi phạm lớn đều do cảnh sát môi trường phát hiện?
- Cái này do đặc thù. Chúng tôi trước khi thanh tra, theo quy định, phải thông báo trước cả tuần cho họ. Khi thanh tra không được tiết lộ các thông tin. Sau thanh tra, nếu có vi phạm đến một ngưỡng nhất định mới được công bố. Đó là quy định, chúng tôi làm sai thì doanh nghiệp có thể kiện và chúng tôi có thể “bóc lịch” như chơi. Cảnh sát có điều kiện làm việc khác và họ phát hiện được nhiều vụ việc. Cái này do cơ chế.
* Theo ông, mức xử phạt 500 triệu đồng có quá ít so với đầu tư hệ thống xử lý nước thải? Có cần tăng mức phạt?
- Theo quy định mới mà chúng tôi đã đề xuất, hiện chánh thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường có thể xử phạt đến 500 triệu đồng. Mức này gấp bảy lần quy định cũ. Chúng tôi đã đề nghị tăng thêm nhưng không được một số bộ ngành đồng ý. Tất nhiên mức 500 triệu là ít so với việc đầu tư một hệ thống xử lý nước thải. Nhưng với quy định hiện nay chúng ta có thể xử phạt nhiều lần. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các nước giàu có như Hà Lan chỉ quy định mức phạt khoảng 20.000 USD, cũng chỉ ở mức 500 triệu đồng. Theo tôi, chỉ dựa vào hình phạt thôi chưa đủ để răn đe, ta phải phối hợp nhiều biện pháp.
CẦM VĂN KÌNH ghi
Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: chưa hoàn thiện đủ quy trình Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, trước đây chủ đầu tư đã trình Bộ Tài nguyên - môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nhưng bộ trả lại vì không đúng luật. Hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa trình lại. Ông Tuyến cho rằng cần phải tìm một tư vấn khác có đủ năng lực để làm báo cáo tác động cho đúng, đánh giá được đầy đủ các mặt. Khi chủ đầu tư nộp báo cáo, bộ sẽ xem xét có đủ điều kiện để thành lập hội đồng thẩm định không. |