Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sự nhanh nhạy và luôn biến động của internet và sự yếu kém trong quản lý cho phép những kẻ buôn bán động vật hoang dã kiếm được những món lời từ việc giết hại những con voi.
Internet góp phần làm cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trở nên dễ dàng hơn. Và điều này và đang đe doạ nghiêm trọng đến các loài động vật, các hệ sinh thái, trở thành một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn thiên nhiên.
Quỹ Cứu trợ Động vật Quốc tế (IFAW) vừa hoàn thành một cuộc điều tra về việc buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp qua mạng internet. Cuộc điều tra được tiến hành trong ba tháng, trên 183 trang web công khai ở 11 quốc gia. Kết quả cho thấy cả các sản phẩm từ ĐVHD lẫn các loài động vật sống như linh trưởng, chim, bò sát, mèo lớn, gấu, voi, tê giác, cá mập, linh dương Tây Tạng và cá tầm đều được rao bán một cách công khai trên internet.
Trong khoảng sáu tuần, các nhân viên điều tra của IFAW theo dõi 7122 cuộc đấu giá và quảng cáo trên mạng về ĐVHD. Rất nhiều loài bị rao bán có tên trong phụ lục bị kiểm soát hoặc cấm buôn bán của Công ước về Buôn bán Quốc tế các Loài động Thực vật Nguy cấp (CITES).
Mặc dù cuộc điều tra mới chỉ thực hiện đối với một số lượng hạn chế các loài và chỉ trên các trang web công khai nhưng số lượng các sản phẩm ĐVHD được giao dịch khiến người ta phải giật mình. Các nhà điều tra cũng cho biết, thực tế thì còn có rất nhiều trang web ngầm mà chỉ những kẻ tay trong mới có thế truy cập được.
Kết quả điều tra cho thấy Mỹ là nước có tình trạng buôn bán ĐVHD qua mạng phổ biến nhất, chiếm hơn 2/3 số thương vụ buôn bán được IFAW ghi nhận, cao gấp 10 lần so với hai quốc gia đứng thứ hai và thứ ba là Anh và Trung Quốc.
Trong số các loài động vật hoang dã được buôn bán qua mạng, các sản phẩm làm từ ngà voi và các loài chim quý hiếm còn sống là những mặt hàng phổ biến nhất. Ngà voi cũng là mặt hàng xuất hiện trong hơn 73 phần trăm trong tổng số thương vụ được IFAW điều tra.
Hàng năm có xấp xỉ 20.000 con voi bị giết hại bởi các tay săn trộm để lấy ngà. Sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp luật quy định về việc buôn bán ngà voi đã tạo điều kiện cho hoạt động này trở nên rất phức tạp và khó kiểm soát.
Chúng ta hầu như không thể phân biệt được ngà voi hợp pháp và bất hợp pháp trên internet. Sự nhanh nhạy và luôn biến động của internet và sự yếu kém trong quản lý cho phép những kẻ buôn bán ĐVHD kiếm được những món lời từ việc giết hại những con voi tội nghiệp.
Còn đối với các loài chim quý hiếm, kết quả điều tra cho thấy chúng chiếm xấp xỉ 20% trong số những quảng cáo liên quan đến buôn bán động vật hoang dã qua mạng. Trong đó, hầu hết là những loài chim quý thuộc Phụ lục I của Công ước CITES như loài vẹt đầu vàng, vẹt vàng Amazon, vẹt mào Goffin, vẹt đuôi dài. Các loài chim này chủ yếu được rao bán ở Ôx-trây-li-a và Nga, tiếp đến là ở Canada, Đức , Mỹ, Trung Quốc và Pháp.
Năm 2007, eBay ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi xuyên biên giới qua trang web của họ. Tuy nhiên, lệnh cấm đã không có hiệu lực cao bởi những kẻ buôn bán đã lợi dụng chính sách nội địa tại một số quốc gia cho phép việc buôn bán này. Mới đây, eBay đã tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm triệt để hơn, áp dụng trên quy mô toàn cầu đối với việc bán tất cả các sản phẩm làm từ ngà voi. Chính sách sẽ được triển khai từ tháng 1/2009. Ngoại lệ chỉ có một số mặt hàng có chứa hàm lượng ngà voi ít, như đàn piano, có thể được rao bán. Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng phải chứng minh được ra đời từ trước năm 1900. |
Năm 2007, một cuộc điều tra của IFAW cho thấy eBay - mạng buôn bán trực tuyến lớn nhất thế giới cũng chính là kênh buôn bán ĐVHD qua mạng lớn nhất thế giới. Trước những cảnh báo và áp lực của các nhà bảo tồn, eBay đã ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi xuyên biên giới qua trang web này.
Thế nhưng, chưa đầy một năm sau, kết quả điều tra của IFAW lần này lại cho thấy trong số 5.159 lời rao bán ngà voi được thống kê thì có đến 83 phần trăm trên trang web của eBay, chủ yếu là trên eBay của Mỹ.
Điều này cho thấy các chính sách về quản lý buôn bán ĐVHD hiện nay là chưa đủ hiệu lực để hạn chế tình trạng buôn bán ĐVHD qua mạng Internet.
Chẳng hạn như với eBay, mặc dù trang thương mại điện tử này đã áp dụng việc cấm buôn bán ngà voi xuyên biên giới nhưng những kẻ buôn bán ĐVHD đã lợi dụng chính sách nội địa cho phép buôn bán ngà voi để đăng thông tin quảng cáo lên trang web này. Những thông tin này dễ dàng được liên kết với các trang web ở các nước khác.
Kết quả điều tra cũng cho thấy hoạt động buôn bán ĐVHD thông qua Internet ngày càng tăng là do nhận thức của cộng đồng về vấn đề buôn bán các loài động vật hoang dã còn kém, do thiếu một hệ thống pháp luật có hiệu lực cao, các chế tài đủ mạnh và các biện pháp kiểm soát hiệu quả để loại bỏ hoàn toàn loại hình tội phạm nguy hiểm này.
Bản báo cáo đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với CITES, các chính phủ trên khắp thế giới, các trang thương mại điện tử, người tiêu dùng, các nhà cung cấp dịch vụ internet và bất cứ ai quan tâm đến sự đa dạng sinh học của trái đất.
Chúng ta cần phải tìm mọi cách để ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã qua mạng, để sự phát triển cộng nghệ thông tin truyền thông thế giới không trở thành công cụ đe doạ đa dạng sinh học trên hành tinh của chúng ta.
(Theo Thiennhien.net)