Với các sinh viên nam, nhà vệ sinh bẩn thì có thể "nhịn" hoặc tìm cách "đi nhờ" những chỗ vắng vẻ. Còn với các sinh viên nữ, chuyện vào nhà vệ sinh đôi khi là bắt buộc, vì vào những ngày "đèn đỏ" các em phải thay băng, vệ sinh vùng kín thường xuyên.
Thế nhưng ở nhiều trường ĐH, chưa nói đến việc nhà vệ sinh đầy đủ tiện nghi, chỉ nói đến việc nước sạch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.
Biết là nước bẩn sẽ dễ bị viên nhiễm vùng kín, nhiều sinh viên nữ vẫn phải sử dụng vì "hoàn cảnh bắt buộc" |
N. Q (sinh viên một trường ĐH ở quận Cầu Giấy) phải rùng mình khi nhớ lại "chuyện để đời" xảy ra trong nhà vệ sinh cách đây chưa lâu. Hôm ấy, Q. đang "bị" nên vào nhà vệ sinh của trường để thay "đồ". Ai ngờ nhà vệ sinh hết nước, Q. đành phải "vét" nốt số nước đục ngầu còn lại trong bể chứa để "rửa tạm".
Khi được hỏi rằng Q. có biết rằng dùng nước bẩn như thế để rửa sẽ dễ bị viêm nhiễm vùng kín, Q. đắng lòng: "Biết chứ sao không, nước bẩn như thế kiểu gì về nhà chả bị ngứa, nhưng mà hoàn cảnh bắt buộc, đành cắn răng làm liều thôi".
"Hôi thối, buốc mùi thì còn cố nín mà "đi" được. Chứ thường xuyên mất nước như thế này thật khổ cho con gái tụi mình", Q. nói thêm.
Nhu cầu rửa vùng kín và thay băng vệ sinh hàng giờ trong thời kỳ kinh nguyệt rất cần thiết đối với sinh viên nữ. Các bác sĩ phụ khoa khuyến cáo, nên thay băng vệ sinh ít nhất 3 lần một ngày (sáng ngủ dậy, buổi trưa, buổi tối), nếu ra kinh nhiều thì thay nhiều hơn. Vệ sinh vùng kín, rửa bộ phận sinh dục sau mỗi lần thay băng vệ sinh. Việc để băng vệ sinh lâu hay dùng nước bẩn để rửa vùng kín sẽ khiến vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Đến chuyện "nhịn" và bệnh
Ám ảnh nhà vệ sinh nên nhiều sinh viên cố gắng uống thật ít nước để giảm số lần đi tiểu tiện ở trường. Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long trả lời trong một bài báo về vấn đề này cho rằng, nước nhiều khi còn quan trọng hơn thức ăn. Nó giúp lưu thông khí huyết, lọc và đào thải các chất độc. Cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút.
Thiếu nước cũng khiến các loại sỏi dễ hình thành hơn. Chứng viêm đường tiết niệu và táo bón cũng khó cải thiện hơn khi không được cung cấp nước đầy đủ.
Ám ảnh nhà vệ sinh, nhịn đại tiểu tiện dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. |
Tình trạng nhà vệ sinh quá bẩn còn khiến nhiều người cố nhịn đi đại tiểu tiện. Cứ tưởng tượng xem có nhu cầu mà không thể giải quyết bạn sẽ thế nào, cực kỳ khó chịu và không thể tập trung làm việc gì. Các bác sĩ cũng khuyến cáo đây là một thói quen nguy hiểm bởi có thể dẫn đến nhiều bệnh như trĩ, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận...
Cùng với nhịn uống nước, nhịn tiểu tiện là một thói quen rất xấu, gây hại cho sức khỏe. Nếu nhịn lâu, nước tiểu bị ứ đọng dễ gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là bàng quang. Việc nhịn tiểu lâu ngày cũng sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, dẫn tới tiểu són, tiểu rắt. Một tác hại nữa của thói quen này làm ta căng thẳng, khó tập trung vào học tập.
Còn nếu nhịn đại tiện, sẽ nhanh chóng gây táo bón. Táo bón lâu ngày là một trong những tác nhân quan trọng nhất dẫn đến bệnh trĩ. Do đó, các bác sĩ khuyên nên tìm cách đáp ứng nhu cầu đại tiện ngay khi có nhu cầu.
Kiềm chế giải quyết nhu cầu cá nhân hay uống ít nước do lo sợ thiếu nhà vệ sinh không chỉ ảnh hưởng đến công việc học tập trên lớp mà còn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh viên, nguyên nhân của không ít bệnh dịch nguy hiểm. Việc “giải quyết” là một nhu cầu cơ bản của con người nó diễn ra tự nhiên và cần thiết trong cuộc sống, vậy mà ở môi trường đại học nó lại trở thành nỗi hãi hùng của sinh viên.