Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hình ảnh thiên thạch 2005 YU55 trên màn hình radar của NASA vào ngày 7/11. Ảnh: NASA. |
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang sử dụng các radar để theo dõi 2005 YU55 – tên của thiên thạch sẽ bay gần trái đất. Vào lúc 23h28 hôm nay theo giờ GMT (6h28 ngày mai theo giờ Việt Nam), thiên thạch sẽ tới gần địa cầu nhất. Khi đó khoảng cách giữa hai thiên thể sẽ vào khoảng 323.000 km, ngắn hơn khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng, AP cho biết.
Don Yeomans, giám đốc Chương trình Các vật thể gần trái đất của NASA, khẳng định việc YU55 bay qua trái đất không gây nên hiểm họa, mà còn là một cơ hội để giới khoa học nghiên cứu thiên thạch.
“Cả trái đất và mặt trăng đều sẽ an toàn khi thiên thạch bay qua”, Jay Melosh, giáo sư bộ môn Trái đất và khí quyển của Đại học Purdue tại Mỹ, khẳng định.
Melosh tính toán rằng, nếu 2005 YU55 lao trúng trái đất, nó sẽ tạo ra một hố có chiều rộng hơn 6 km và độ sâu hơn 500 m. Sự va chạm giữa thiên thạch với địa cầu có thể gây nên những đợt sóng thần với độ cao tới 20 m.
Giới khoa học đã theo dõi 2005 YU55 từ khi nó được phát hiện cách đây 6 năm. Họ tin chắc nó không thể gây hại cho địa cầu.
“Chúng tôi biết rõ quỹ đạo của vật thể này”, Yeomans nói.
Với chiều rộng hơn 400 m, tức là gấp khoảng bốn lần chiều rộng của sân bóng đá, 2005 YU55 có màu tối và xoay tròn khá chậm.
Vô số thiên thạch từng tới gần trái đất, song 2005 YU55 là thiên thạch tới gần nhất kể từ năm 1976. Từ nay tới tận năm 2028 loài người mới có cơ hội chứng kiến một thiên thạch có kích cỡ tương tự hoặc lớn hơn 2005 YU55 tới gần hành tinh.
Những radar tại bang California, Mỹ và Puerto Rico sẽ giúp giới khoa học phân tích bề mặt của 2005 YU55. Chẳng hạn, họ sẽ có thể biết bề mặt của nó bằng phẳng hay có nhiều hố, chứa nước hay không.
Giới thiên văn nghiệp dư sẽ cần những kính thiên văn có đường kính từ 15 cm trở lên để quan sát 2005 YU55. Ngoài ra họ cũng cần phải xác định chính xác vị trí của nó trên bầu trời.