Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tây Ninh: “Xẻ thịt” hồ Dầu Tiếng

(07:41:15 AM 08/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Đảo lớn nhất nằm trong vùng lòng hồ Dầu Tiếng sẽ trở thành phim trường và khu du lịch, nghỉ dưỡng. Dự án này đang làm dấy lên mối lo ngại trong dư luận

UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 dự án tổ hợp phim trường An Viên và du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, do Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu, thuộc Tập đoàn An Viên (AVG) làm chủ đầu tư.
Dự án tầm cỡ
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng đây là một dự án tầm cỡ. Từ cuối năm 2010, UBND tỉnh đã chấp nhận chủ trương đầu tư dự án phim trường và khu du lịch sinh thái của AVG. Chủ đầu tư đã có chuyến khảo sát trên đất liền lẫn trên không và thấy đảo Nhím (cách bờ đê hồ Dầu Tiếng khoảng 1 km, thuộc địa phận xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) hoàn toàn đáp ứng mục tiêu dự án về quy mô, cảnh quan, giao thông…. Đổi lại, dự án cũng phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Đảo Nhím - nơi dự kiến xây dựng phim trường và khu du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh: THU SƯƠNG
 
Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, dự án có tổng diện tích trên 340 ha, gồm hai phần: Phần thứ nhất, toàn bộ vùng không ngập của đảo Nhím có cao trình từ 24,5 m trở lên, diện tích khoảng 337 ha. Đây là phần chính của dự án với ba phân khu: trung tâm sản xuất phim trường diện tích 119,7 ha, khu thực cảnh - tham quan - vui chơi giải trí diện tích 108 ha và khu du lịch sinh thái (xây dựng làng điện ảnh, khu nghỉ dưỡng, khách sạn…) 109 ha.

Phần thứ hai, nằm sát cơ đê từ cao trình 22 - 23 m, có diện tích 3 ha, dự kiến xây dựng bến tàu du lịch, dịch vụ. Về lâu dài, dự án cũng tính toán đến việc xây cầu nối từ bờ đập bao quanh lòng hồ ra đảo và bãi đáp trực thăng. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 1.476 tỉ đồng.
Ông Trương Văn Lý, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết cuộc họp của chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh ngày 23-9 đã đi đến thống nhất giao chủ đầu tư dự án nghiên cứu thêm về vùng bán ngập (vùng đệm cảnh quan của dự án, diện tích khoảng 670 ha) để đề xuất các biện pháp quản lý, sử dụng, đồng thời có giải pháp quản lý, xử lý môi trường chặt chẽ và dành quỹ đất để xây dựng các công trình an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, trước khi lập đồ án quy hoạch chi tiết phải lấy ý kiến các tỉnh, thành liên quan. Theo yêu cầu của tỉnh, đến tháng 1-2012, chủ đầu tư phải lập xong đồ án quy hoạch chi tiết để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng.
Lo cho hồ Dầu Tiếng
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về nguy cơ dự án có gây tác động tiêu cực đến hồ Dầu Tiếng, ông Nguyễn Hoàng Nam khẳng định dự án không ảnh hưởng đến hồ Dầu Tiếng. “Tỉnh đã tham khảo ý kiến Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng, đơn vị quản lý hồ) và nhận được sự ủng hộ của công ty này”- ông Nam nói.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tây Ninh, bày tỏ lo lắng nếu chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích thủy lợi thì không đáng ngại, đằng này hồ Dầu Tiếng còn là nguồn cung cấp nước cho nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, trong khi hoạt động du lịch thì xả thải nhiều. Chính vì vậy, tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư phải trồng thêm rừng bán ngập, vành đai cây xanh cảnh quan, xây hệ thống xử lý nước thải… để ngăn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.
Về phía Công ty Dầu Tiếng, ông Vũ Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, cho biết chỉ nghe phong thanh về dự án phim trường trên đảo Nhím chứ chưa nhận được bất cứ văn bản cụ thể nào liên quan nên cũng rất lo ngại. Bở lẽ, hồ Dầu Tiếng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn rất quan trọng về chính trị, an ninh. Nếu thực hiện dự án trong lòng hồ sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước vì quá trình xây dựng các công trình cũng như giai đoạn sau đó khi đưa vào sử dụng, phục vụ du lịch sẽ gây xả thải ô nhiễm nguồn nước.
Các phương tiện cơ giới phục vụ cho xây dựng và vận chuyển sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn đập. Ngoài ra, dự án thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước, lượng người đông sẽ khó kiểm soát về an ninh, trật tự. Ông Hùng cũng đồng ý rằng hồ Dầu Tiếng có những lợi thế và tiềm năng du lịch nếu không khai thác sẽ rất đáng tiếc nhưng mục tiêu an toàn đập và mặt nước phải được đặt lên hàng đầu. Hiện Công ty Dầu Tiếng đang làm thủ tục đưa hồ dầu Tiếng vào danh mục hồ an ninh quốc gia.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Đào Xuân Học, cũng khẳng định chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến dự án phim trường giữa hồ Dầu Tiếng nên chưa thể hình dung và đánh giá cụ thể.
  
Phải hết sức thận trọng!
 
GS Nguyễn Sinh Huy, người đã tham gia vào công tác thiết kế xây dựng hồ Dầu Tiếng từ thời gian đầu, cho rằng thực hiện dự án giữa hồ sẽ ảnh hưởng hai vấn đề: môi trường nước và nâng cao mực nước hồ.
“Tập trung người đông thì xả thải nhiều; du lịch, nghỉ dưỡng và đóng phim nữa thì xả thải càng nhiều. Tôi mới đi thăm lại hồ, mấy cơ sở sơ chế mủ cao su và trang trại nuôi heo trên đó lớn lắm, cũng bảo có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn xả bẩn vào hồ. Quan trọng hơn là vấn đề cắt lũ và xả lũ: thiết kế xả lũ hồ tần suất 0,1% là 2.800 m3/giây nhưng TPHCM hiện nay không chịu nổi quá 500 m3/giây.
Một trong những biện pháp để vừa bảo đảm an toàn đập vừa không gây lụt TPHCM và các vùng hạ du là nâng cao trình đập thêm 1-2 m để tích thêm nước. Khi đó, mực nước thiết kế có thể lên 25- 26 m sẽ nhấn chìm đảo Nhím, thế thì liệu đơn vị chủ đầu tư có chấp nhận để nâng cao trình đập? Theo tôi, hồ Dầu Tiếng là một hòn ngọc rất cần được khai thác nhưng nó nằm ở vị trí nhạy cảm nên phải hết sức thận trọng”- GS Huy khuyến cáo.
Thu Sương - Thành Đồng (Người lao động)