Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thu hồi sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên: Bắt nhầm một vụ “dâm thư”?

(16:08:55 PM 05/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên - tác giả của nhiều tập truyện và tiểu thuyết cách tân - lại không ngờ có ngày mình bị ghép “tội” viết “dâm thư”.

>>Tịch thu tập truyện ngắn "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” vì dâm ô

 

Tập truyện ngắn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” (ảnh) của anh được NXB Hội Nhà văn cùng Cty Phương Nam in cách đây nửa năm,  đã bị  Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM ra văn bản tịch thu vào ngày 1/11, mà không dựa vào  lý lẽ cụ  thể nào của hội đồng thẩm định.

 

Đáng ngại hơn, tác giả này còn bị “quy chụp” là đã “truyền bá lối sống đồi trụy, không hợp với thuần phong mỹ tục VN, vi phạm Điều 2, khoản 10 Luật Xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản”.  Trong khi đó, 13 tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên nói lên cuộc sống ngột ngạt ở đô thị của một bộ phận lớp trẻ, mà đôi khi, tình dục trở thành phương tiện, hay một lối thoát,  để họ có thể “vật” hơn, mà cũng có thể “người” hơn.

 

Một nhà phê bình  cho rằng, “dâm thư”  không phải  ai cũng viết được, phải có “can đảm thế nào đó”. Và nếu bỗng dưng “ghép” tác phẩm “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của Nguyễn Vĩnh Nguyên bên cạnh “Sợi xích” của Lê Kiều Như thì thật lạ lùng! Bởi tác giả sử dụng những chi tiết “sex” với dụng ý nghệ thuật, chuyển tải ý tưởng của mình. Hiểu sai ý tưởng của người viết mới thực đáng sợ. Bởi, thông thường, “đòn” “dâm thư” không giết nổi con ruồi, chỉ vì người đọc tinh ý sẽ hiểu hết dụng ý tác giả, nhưng “đòn” dâm thư có thể “giết chết”  một nhà văn, nếu  những nhà quản lý tiếp tục thổi còi sai, hiểu sai, hay “bắt nhầm” kiểu như trên.

 

Hậu quả là Cty sách Phương Nam - đơn vị liên kết với NXB Hội Nhà văn thực hiện cuốn sách này - sẽ bị  xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng,  bị dọa “sẽ bị cưỡng chế và phải chịu chi phí cho việc cưỡng chế” nếu 10 ngày không thu hồi sách và có quyền khiếu nại trong 90 ngày, nhưng “việc khiếu nại không làm đình chỉ quyết định xử phạt”.

 

Về phía đơn vị chủ quản,  ông Trung Trung Đỉnh - GĐ NXB Hội Nhà văn - cho biết, chỉ ở TPHCM có lệnh thu hồi sách thôi, còn ở Hà Nội thì chưa thấy gì. Và như thế, lệnh chỉ có thể có hiệu lực ở TPHCM. Ông cũng  nhấn mạnh, vào ngày 8/11 tới, ở Hà Nội, NXB sẽ tổ chức buổi thảo luận  giữa các nhà văn, nhà phê bình và biên tập viên, để đánh giá lại nội dung cuốn sách có đúng là “dâm ô” hay không.

 

Theo nhà văn Tạ Duy Anh - người biên tập cuốn truyện ngắn này - đây là một cuốn sách lành mạnh, thậm chí là rất đáng trân trọng khi tác giả có chủ ý đưa ra những sáng tạo mới. Nội dung cuốn sách không có vấn đề gì. Việc nói sách kích dục là hoàn toàn vô căn cứ và do đọc không kỹ.

 

Song vấn đề là ở chỗ, ai đọc và hiểu tác phẩm ở mức nào, tại sao không có ban thẩm định gồm các nhà văn, nhà phê bình, thay vì  những người làm quản lý vốn chưa chắc đã hiểu đúng văn chương? Cũng có một tín hiệu “khả quan” là sách nào bị cấm, bị thu hồi thì y như rằng người đọc đổ xô tìm đọc.

 

Phỏng vấn ngắn Nguyễn Vĩnh Nguyên

 

Anh có sốc khi đứa con văn học của mình bị biến thành “tác phẩm dâm ô đồi trụy” trong con mắt của một số nhà quản lý?

 

- Tôi không lạ gì cách tiếp cận tác phẩm và “phương pháp luận” của họ. Nhưng trong trường hợp họ đưa ra nhận định trên với cuốn sách này, tôi có hơi bất ngờ (vì nó rớt vào tác phẩm của mình), nhưng không sốc. Tác hại của việc hiểu sai từ “dâm ô đồi trụy” thì tôi không thể đánh giá được, không khéo lại rơi vào một trường hợp tự phóng đại và võ đoán khác.

 

Anh cho rằng cần có một hội đồng thẩm định để đánh giá tác phẩm, nếu không, sẽ còn có nhiều tác phẩm “chết oan”. Nhưng nếu xã hội vẫn không tin những người thẩm định và nhà quản lý có quyền đưa ra mọi quyết định, kể cả khi không hiểu rõ về nội dung quyết định ấy, thì sẽ ra sao?

 

- Câu chuyện lúc đó không còn dựng lại ở khái niệm mơ hồ, là niềm tin, mà cụ thể hơn, họ (người thẩm định và nhà quản lý ra quyết định thiếu thuyết phục và sự am hiểu) sẽ phải đối diện với sức ép của dư luận, truyền thông, giới chuyên môn và luật pháp. Trước hết là các bên liên quan, như nhà đầu tư, tác giả, NXB Hội Nhà văn, Cục Xuất bản sẽ phải có trách nhiệm đưa vấn đề ra trước pháp luật để sự việc công khai, rõ ràng và công bằng.

M.T

Minh Thi (Lao động)