Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đánh giá môi trường: 30% “cắt dán”, 70% thẩm định “chay”

(15:44:50 PM 05/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Trao đổi bên lề hội nghị quốc gia về vấn đề môi trường, TS Nguyễn Khắc Kinh - phó chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN - đã nói như vậy. Đề cập thực tế “cắt dán” và “vay mượn” trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, ông Kinh nói:

Ông Nguyễn Khắc Kinh - Ảnh: Xuân Long
 
- Một số chuyên gia có nhắc tới dự thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường lần đầu của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giống ở đâu đó, tôi nói thật không chỉ có hai thủy điện này, cách làm của bên tư vấn hiện nay thường là lấy một báo cáo cùng loại có sẵn và dựa trên đó để thay đổi. Vậy mới có chuyện như dự án ở miền Bắc lại có sông Thị Vải, dự án ở miền Nam lại có sông Hồng.
 
Tôi không phản đối việc “cắt dán”, nhưng số liệu “lắp” vào phải khoa học, trung thực, nghiêm túc, không thể tùy tiện bịa ra hay đo đạc qua loa. Nói “cắt dán” đại trà thì không có, nhưng việc này xảy ra tương đối nhiều. Qua quá trình ngồi hội đồng thẩm định, có thể thấy tỉ lệ này lên tới 20-30%.
 
Thực tế này có nguyên nhân sâu xa là chủ dự án thuê các cơ quan tư vấn, rồi các cơ quan tư vấn lại đấu thầu với nhau để làm. Qua đấu thầu, giá tiếp tục tụt xuống khiến kinh phí không đủ để đi thu thập số liệu. Thu thập số liệu mà lỗ thì không ai làm, nên chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường thấp.
 
* Như vậy là có nhiều đánh giá tác động môi trường thiếu trung thực?
 
- Theo tôi, chính cách làm thiếu trung thực và không đúng thực tế dẫn đến dự báo sai, đương nhiên sẽ “đẻ” ra thảm họa cho môi trường.
 
* Ông đã nhiều lần ngồi ghế hội đồng thẩm định, xin hỏi thẳng ông nghĩ sao khi có ý kiến nói rằng việc thẩm định chỉ là trên giấy, thực tế ra sao hội đồng cũng không rõ?
 
- Thống kê chính xác thì chưa có, nhưng tôi nghĩ việc ngồi bàn giấy thẩm định khoảng 60-70%. Nói thật, hiện chúng ta đang thẩm định “chay”, tức là thẩm định trên giấy, dựa trên các số liệu và yêu cầu người ta (tư vấn và chủ dự án) mô tả. Trường hợp hội đồng đi thực tế, đến tận nơi xem xét cũng có nhưng rất ít.
 
* Theo ông, giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng báo cáo làm thiếu thực tế, không đạt chất lượng nhưng vẫn được thông qua?
 
- Cuộc đời tôi đến giờ đã mười mấy năm làm công tác thẩm định. Theo quan điểm của tôi, chưa có báo cáo nào được hội đồng thẩm định thông qua ngay, toàn phải chỉnh sửa bổ sung rồi cuối cùng cũng được thông qua. Nếu xét đảm bảo đúng yêu cầu, không có báo cáo nào qua được, như vậy sẽ gây ách tắc cho nhà đầu tư. Do đó có tình trạng đáng ra hội đồng thẩm định phải là quan tòa thì lại trở thành đơn vị tư vấn, nghĩa là chỉ cho chủ dự án về sửa chỗ nọ, chỗ kia rồi thông qua.
 
Ngoài ra, hiện chúng ta không có đội ngũ chuyên ngồi hội đồng, có vị hôm nay ngồi ghế hội đồng nơi này, ngày mai lại làm nhiệm vụ tư vấn ở dự án khác nên cũng không dám nói mạnh, không dám “trảm”. Tôi nghĩ với thực trạng môi trường bây giờ, hội đồng phải đóng đúng vai quan tòa, tức là phải “trảm”, phải cho “nốc ao” những báo cáo không đạt, còn nếu cứ bổ sung rồi thông qua sẽ “nhờn thuốc”.
 
Tài nguyên đang bị khai thác quá mức
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang đã khẳng định như vậy khi phát biểu khai mạc hội nghị quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường tổ chức ngày 4-11. Theo ông Quang, thực trạng môi trường hiện nay cho thấy nhiều nơi môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng, tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị cạn kiệt.
 
Đề cập vấn đề “cắt dán” tại nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết đúng là có thực trạng này. “Chắc chắn tới đây bộ sẽ có quy định đưa những đơn vị nào làm theo kiểu đó sẽ cho vào danh sách đen. Tới đây bộ dự kiến đề nghị quy định chỉ những đơn vị ở cấp nào mới được làm báo cáo đánh giá tác động môi trường để tránh tình trạng nhiều đơn vị lợi dụng nước đục thả câu, làm những chuyện gây ra tiếng tăm không tốt trong xã hội” - ông Tuyến khẳng định.
X.LONG (Tuổi trẻ) thực hiện