Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chàng sinh viên không tay đầy nghị lực

(00:10:02 AM 05/11/2011)
(Tin Môi Trường) - Với đôi chân, em vẫn có thể viết, vẽ, tự cắt tóc cho mình, xâu kim, khâu vá... Em vừa bước vào môi trường đại học, con đường dài với đầy rẫy những khó khăn đang chờ em phía trước.

Em chính là Nguyễn Ngọc Phú, sinh viên năm nhất lớp Khoa học máy tính K6 – trường Công Nghệ Thông Tin – Đại học Quốc Gia. Người được mệnh danh là Nguyễn Ngọc Ký thứ hai của Việt Nam.

 

Phú lấy sách vở ra bằng chân

 

Câu chuyện của Phú

 

Phú sinh ra và lớn lên tại vùng quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vào ngày 17/7/1990.  Khi đó, đứa bé mới sinh ấy rất ốm yếu và không có cả hai tay.

 

6 tuổi, Phú tập đi được bằng chân và cũng dần nhận thức được xung quanh. Khi thấy mấy đức trẻ con mặc quần xanh, áo trắng đi nhộn nhịp, Phú hỏi thì biết là các bạn đi học. Ý thức của Phú cho biết rằng mình cũng phải như thế. Bố Phú kể: “Lúc đó nghe con nói, cũng chột dạ nên gia đình đi hỏi xin nhà trường tạo điều kiện cho cháu đi học, chẳng được mấy hôm, con bị gởi về vì quá yếu.”

 

Bố Phú thấy con trai ham học nên bắt đầu tìm đủ mọi cách giúp đỡ. Đôi chân Phú đã không ít lần rớm máu và lở loét khi mới bắt đầu khổ luyện tập viết. Những chữ cái đầu tiên được bố dạy, Phú tập viết bằng phấn. Nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình nên dần dần việc sử dụng chân của Phú dần thành thạo trong cả sinh hoạt hằng ngày.

 

Đi học muộn hơn các bạn 3 năm nhưng chính sự phi thường từ đôi chân đã mang đến cho Phú đạt thành tích học tập xuất sắc trong nhiều năm liền. Ngoài ra, Phú còn nhận được nhiều bằng khen từ phía tỉnh Nghệ An và các cấp lãnh đạo Quốc gia.

 

Trong đợt thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng vừa rồi, Phú được tuyển thẳng vào hai trường và quyết định theo học Khoa học máy tính của trường Đại học Công nghệ thông tin. Với chuyên ngành này, Phú mơ ước ra trường sẽ là một hiệp sĩ máy tính, nhanh chóng có việc, đi làm để phụ giúp cha mẹ

  Phú và người bạn "đặc biệt" Nguyễn Quang Nhị

 

Tuy nhiên, với môi trường Đại học mới mẻ và năng động tại TPHCM, em chia sẻ là phải thật cố gắng để có thể hòa nhập và bước vững qua những khó khăn trong việc học cũng như sinh hoạt hiện nay.

 

Theo chia sẻ, chúng tôi được biết phía Ký túc xá có hỗ trợ cho Phú một phần tiền để giúp em trang trải cho việc học tập. Vừa rồi, đại diện diễn đàn “Người tôi cưu mang” có đến xem xét và sẽ trợ cấp cho phòng Phú máy vi tính trong thời gian sắp tới.

 

Người bạn đồng hành

 

 Bác Lộc (bố Phú) bên góc "tài sản" tại ký túc xá.

 

Quá trình Phú thành tân sinh viên đại học như bây giờ cũng nhờ không ít sự hỗ trợ và người đặc biệt nhất chính là bố.

 

Bác Nguyễn Quỳnh Lộc – bố Phú, theo chân con từ những ngày đầu tiên vào TPHCM thi đại học đến nay. Ông là một cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, ông trở về quê với nhiều thương tật rồi cũng lập gia đình và có bốn người con. Những dị tật mà câu con Minh Phú mang cũng là hậu quả của chất độc da cam ngày nào ngấm vào thân thể ông .

 

Khi biết con đậu đại học,  Bác đề nghị bên quản lý ký túc xá cho vào ở cùng để hỗ trợ cho con trong khoảng thời gian dài học tập. Vì phòng của Phú ở còn hai sinh viên “đặc biệt” nữa nên ông còn lo luôn cho cả ba chàng trai này.

 

Với chấn thương của năm tháng đấu tranh để lại, Bác Lộc luôn nhức đầu và phải uống thuốc kinh niên. Bác Lộc kể: “Những ngày đầu mới vào Sài Gòn, thấy hoàn cảnh cha con khó khăn nên cũng nhiều người giúp đỡ. Giờ thì đã ổn định tại đây nhưng vì khí hậu và môi trường chưa quen nên cả phòng bốn người đều hay bệnh vặt, nhức đầu, sổ mũi suốt.”

 

Ông chia sẻ, những ngày tháng ở nhà, tuy gia đình không khá giả nhưng cũng nuôi con gà con vịt tạo điều kiện kinh tế. Vì hoàn cảnh và nghĩa vụ với con nên mọi việc ở nhà giao hết cho mẹ Phú với gia tài là mấy sào ruộng. Chính vì vậy, việc tài chính của gia đình càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, ông không muốn nói nhiều về gia đình vì cho rằng nó làm cho Phú ỷ lại, không cố gắng.

 

Do nhàn rỗi, ông thường hay dọn dẹp phòng ốc. Nhờ vậy ông được Ban quản lý ký túc phân cho công việc trông coi phòng sách, phòng tiếp khách. Với công việc này, ông được trả một ít tiền lương để chi trả cho sinh hoạt hằng ngày.

Huỳnh Trang