Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: Công cụ ĐTM ở Việt Nam đã được pháp lý hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và tiếp tục được phát triển, hoàn thiện tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Trên cơ sở đó, công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và hoạt động sau thẩm định báo cáo ĐTM đã được triển khai rộng khắp trong phạm vi cả nước, góp phần quan trọng trong quản lý môi trường. Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bên cạnh những cố gắng và những thành tựu không thể phủ nhận của công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường đã đạt được, các quy định của pháp luật về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường cũng cần phải được điều chỉnh một cách căn bản để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Do đó lần đầu tiên ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng quy định về ĐMC, ĐTM, CBM-đó là Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 04/2011 ngày 18/7/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định này. Hội nghị quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường sẽ tập trung trao đổi để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 29 của Chính phủ; đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác này, qua đó nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển công cụ đánh giá tác động môi trường, để phát huy hơn nữa tác dụng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án. Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tiến sĩ Mai Thanh Dung, Cụ trưởng Cục Thẩm định và ĐTM, Tổng cục Môi trường cho biết: đến nay đã có 37 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện ĐMC cho quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, một số ĐMC thí điểm đã được thực hiện để hoàn thiện phương pháp luận ĐMC, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện ĐMC ở Việt Nam. Thông qua việc thực hiện ĐMC, các chuyên gia môi trường đã chỉ ra được nhiều vấn đề môi trường của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK) giúp các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng các CQK có thể sử dụng để điều chỉnh nội dung của CQK, hoặc có những giải pháp bảo vệ môi trường tăng cường, phòng ngừa rủi ro cho môi trường khi triển khai thực hiện.
Các vấn đề môi trường của CQK đã tiếp tục được phát hiện trong quá trình thẩm định báo cáo ĐMC, để đơn vị lập CQK tiếp tục xem xét có giải pháp giảm thiểu, cũng như để cấp có thẩm quyền cân nhắc trong quá trình thẩm định, phê duyệt CQK. Chẳng hạn như việc điều chỉnh, thay đổi nội dung của Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh; Quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than Đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch thăm dò, khai thác boxite Tây Nguyên...là những trường hợp điển hình thể hiện rõ kết quả, hiệu quả của công tác ĐMC.
Trong 5 năm qua, qua công tác thẩm định có khoảng 50 dự án đã không được Hội đồng thẩm định Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua khi thẩm định lần đầu báo cáo ĐTM, do nội dung sơ sài, không có biện pháp thích đáng để phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu của dự án đến môi trường. Cụ thể như: Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Lào Cai); Nâng công suất khai thác lộ thiên mỏ sắt Nà Lũng (Cao Bằng); Cải tạo, mở rộng Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn); Nhà máy than đen công suất 115.000 tấn/năm (Bà Rịa-Vũng Tàu)...
Tuy vậy, do nhận thức của cơ quan lập CQK và các doanh nghiệp chưa đầy đủ nên còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác ĐMC, cũng như thực hiện ĐTM và đăng ký CBM. Dẫn tới nhiều ĐMC chỉ được thực hiện sau khi CQK đã được soạn thảo, các đề xuất, kiến nghị của ĐMC rất ít khi được cơ quan lập CQK tiếp thu. Cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án và tư vấn trong quá trình thực hiện ĐTM, nhiều trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn môi trường thực hiện. Công tác đăng ký, xác nhận bản CBM ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, do hạn chế về nhân lực và trang thiết bị để kiểm soát các vấn đề ô nhiễm. Trong khi không có cơ chế tài chính để thuê chuyên gia rà soát nội dung bản CBM, hoặc thuê các dịch vụ kiểm soát ô nhiễm trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bản CBM...
Các đại biểu tham dự hội nghị quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường thống nhất cho rằng, để khắc phục những tồn tại, yếu kém và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công cụ ĐTM, cần phải rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện ĐMC, ĐTM, CBM trong cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục phát triển, hoàn thiện các luận cứ, phương pháp luận các công cụ này phục vụ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ĐTM và CBM ở các Bộ, ngành và địa phương, để kịp thời chấn chỉnh sai phạm. Xây dựng và duy trì vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu về công tác thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM và sau thẩm định báo cáo ĐTM để có thể theo dõi, quản lý một cách hệ thống. Bên cạnh đó, xúc tiến đàm phán với các nước trong khu vực để xây dựng và ban hành những thỏa thuận, điều ước về ĐTM xuyên biên giới...