Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vào ngày 31/12 năm nay, tất cả đồng hồ trên khắp hành tinh đều được tặng thêm một giây.
Trái đất quay một vòng quanh mặt trời trong 365,2422 ngày, tương đương một năm với bốn mùa của chúng ta. Người ta làm tròn thành 365 ngày để thuận tiện cho việc tính toán. Do đó cứ bốn năm một lần, chúng ta lại có thêm 0,9688 ngày (tức là 0,2422 ngày x 4) vào cuối tháng 2, biến nó thành tháng có 29 ngày. Trong ba năm trước đó tháng 2 chỉ có 28 ngày.
Từ trước tới nay, thời gian được tính toán dựa trên hoạt động xoay của trái đất so với các thiên thể và đơn vị giây được tính dựa trên mối tương quan này.
Nhưng sự ra đời của đồng hồ nguyên tử giúp nhân loại đưa ra khái niệm về giây mà không cần quan tâm tới hoạt động xoay tròn của quả đất. Thay vào đó, một giây được tính bằng một tín hiệu do các electron trong nguyên tử phát ra khi chúng thay đổi trạng thái năng lượng.
Nhiều hệ thống công nghệ của con người, như hệ thống định vị toàn cầu qua vệ tinh, chỉ tính toán thời gian theo hệ thống đồng hồ nguyên tử.
Vào năm 1970, cộng đồng quốc tế đưa ra một thỏa thuận về việc chấp nhận hai hệ thống đo thời gian dựa theo hoạt động xoay của trái đất và sự thay đổi trạng thái năng lượng của electron.
Nhưng khi đó có một vấn đề phát sinh, đó là địa cầu có xu hướng quay chậm dần khiến hai hệ thống thời gian trở nên không đồng nhất. Vì thế, người ta thường xuyên phải cho thêm một giây vào hệ thống thời gian nguyên tử.
Cơ quan giám sát chuyển động của Trái đất và các hệ thống tham chiếu quốc tế (IERRSS) là tổ chức theo dõi sự khác biệt giữa hai hệ thống thời gian và đưa ra đề xuất thêm hoặc bớt giây nhuận khi cần thiết. Kể từ năm 1972, IERRSS đã bổ sung giây nhuận nhiều lần, trong đó lần bổ sung gần đây nhất diễn ra vào ngày 31/12/2005.
Giây nhuận sẽ được thêm vào lúc 23:59:59 trong ngày cuối cùng của năm 2008.
(Theo Livescience, VnExpress)