Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Luật tố cáo: Sẽ sửa điều khoản hạn chế báo chí
(08:26:33 AM 04/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý điều khoản trong dự thảo Luật Tố cáo yêu cầu báo chí phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
* Phóng viên: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng quy định “cơ quan thông tin, báo chí nhận được tố cáo phải chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền” trong điều 48 của dự thảo Luật Tố cáo vừa không phù hợp với Luật Báo chí vừa hạn chế vai trò của báo chí?
Hiện Ủy ban Tư pháp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có văn bản đề nghị xem lại quy định trong điều 48 của dự thảo Luật Tố cáo sao cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành của Bộ Thông tin - Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ký. Hiện bộ phận soạn thảo dự án luật đang xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp để bảo đảm sao cho hài hòa giữa Luật Báo chí và dự thảo Luật Tố cáo.
* Thưa ông, tố cáo được xem như một nguồn tin. Luật Báo chí hiện hành quy định báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ nguồn tin, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh trở lên. Như vậy, dự thảo Luật Tố cáo có “vênh” với Luật Báo chí?
- Đúng là Luật Báo chí đã có những quy định về vấn đề này. Vì thế, như tôi đã nói là cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Tố cáo sẽ xem xét, tiếp thu để chỉnh lý sao cho hài hòa cả hai luật, bảo đảm quyền lợi của người tố cáo và người bị tố cáo. Không nên vì quá nhấn mạnh tới việc bảo vệ người tố cáo mà xem nhẹ những quyền lợi hợp pháp của người bị tố cáo.
TS Nguyễn Kim Hồng
* Vậy hướng sửa quy định trong điều 48 sẽ ra sao, thưa ông?
- Hướng sửa tất nhiên phải tốt hơn, vừa phù hợp với Luật Báo chí nhưng cũng bảo đảm các yêu cầu của Luật Tố cáo và cũng phát huy được vai trò tích cực của báo chí trong việc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng...
* Cá nhân ông nhìn nhận ra sao về vai trò và hiệu quả của báo chí trong việc phát hiện, đấu tranh với tiêu cực?
- Tôi thấy báo chí có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh với tiêu cực. Những vụ việc tiêu cực mà báo chí nêu ra đều được người dân quan tâm. Nhiều vụ phát hiện, điều tra của báo chí đã giúp cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc xử lý. Cá nhân tôi luôn ủng hộ phát huy vai trò tích cực của báo chí.
Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:
Cần sửa để không xung đột
Điều 48 trong dự thảo Luật Tố cáo đã xung đột với Luật Báo chí và tôi đã đề nghị sửa quy định này. Nếu cơ quan soạn thảo dự thảo không sửa đổi, tôi sẽ tiếp tục có ý kiến. Đơn tố cáo gửi cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực Luật Báo chí điều chỉnh, do vậy việc dự thảo Luật Tố cáo quy định điều chỉnh hành vi này là không đúng. Việc gửi đơn tố cáo đến cơ quan báo chí là để báo chí biết vụ việc, vào cuộc và thông tin trên báo chí chứ không phải nhằm mục đích giải quyết vụ việc.
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Đừng biến báo chí thành cấp dưới
Báo chí có quyền năng riêng của mình. Đó là quyền đưa tin và chịu trách nhiệm trước nguồn tin của mình. Do vậy, nếu buộc phải cung cấp đơn thư tố cáo cho cơ quan chức năng là biến cơ quan báo chí thành cấp dưới của cơ quan chức năng. Trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay, mỗi cơ quan có chức năng riêng. Khi báo chí đưa tin không chính xác thì tổng biên tập, phóng viên viết bài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Luật Báo chí quy định rõ điều này.