Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khai khoáng: Chưa chế biến tốt thì để dành cho con cháu

(18:14:20 PM 03/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Bên lề kỳ họp QH, ông Lê Bộ Lĩnh, phó chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ của QH, đề nghị phải tăng trách nhiệm địa phương và các bộ ngành cần khảo sát, báo cáo đầy đủ về hiện trạng khai thác khoáng sản hiện nay.

 

Đào vàng trái phép trên lưu vực sông Hiến thuộc địa phận huyện Thạch An, Cao Bằng khiến con sông bị cày xới như... B52 rải thảm - Ảnh: LÃNG QUÂN
 
Ông Lê Bộ Lĩnh, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ của QH - Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Ông Lĩnh nói:
 
- Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan. Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi. Việc khai thác này không chỉ làm chảy máu tài nguyên mà còn tiếp tục khiến tình trạng xuất khẩu thô, xuất lậu tài nguyên trở nên phức tạp. Tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thấy người dân một số nơi bức xúc vì khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ gần như không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hoàn nguyên sau khai thác. Thiệt hại từ khai thác tài nguyên nếu không kiểm soát thì việc khắc phục hậu quả có thể lớn hơn nhiều những gì nền kinh tế các địa phương thu được.
 
* Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép mới các dự án khai thác tài nguyên. Nhưng các dự án đang khai thác cũng cần phải đánh giá lại?
 
- Theo tôi, việc Thủ tướng yêu cầu dừng cấp phép khai thác mới là cần thiết và kịp thời. Tất nhiên, yêu cầu này không ảnh hưởng đến khai thác tập trung quy mô lớn đã được cấp phép. Tuy nhiên, động thái trên của Chính phủ cũng cho thấy rằng chúng ta đã qua một thời gian dài khai thác tài nguyên trên diện rộng, chủ trương hạn chế khai thác thô cũng đã có từ khá lâu, nên đã đến lúc phải dừng các dự án mới lại xem mình đã làm gì và sắp tới nên thế nào. Ngoài khai thác xin phép chính thức, ta còn nhiều trường hợp khai thác lậu, có phép nhưng ngoài quy hoạch.
 
Theo tôi, các bộ, cụ thể là Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên môi trường, cần có khảo sát báo cáo cụ thể xem hiện trạng khai thác tài nguyên như thế nào, trữ lượng hiện tại của một số loại tài nguyên ra sao để tính toán có định hướng phù hợp trong thời gian tới. Báo cáo này cần tiến hành định kỳ hằng năm. Quan điểm của tôi là tài nguyên phải được sử dụng hiệu quả, nếu chúng ta chưa đủ trình độ chế biến sâu, đem lại hiệu quả cao thì nên để dành lại cho con cháu sau này làm, không nên khai thác tập trung ngay. Riêng các hình thức khai thác tài nguyên ngoài quy hoạch thì phải tăng cường trách nhiệm các địa phương, kiên quyết dừng và dừng vĩnh viễn loại hình này.
 
* Than VN đã sắp phải nhập rồi nhưng ngành than vẫn nói phải tăng khai thác để tăng khả năng phục vụ và vì nhu cầu của mấy vạn cán bộ trong ngành. Việc khai thác khoáng sản phải tránh được lợi ích nhóm?
 
- Bên cạnh lệnh tạm dừng cấp phép mới khai thác tài nguyên, tôi cho rằng làm gì cũng phải trên lợi ích quốc gia chứ không thể chỉ vì một ngành, một địa phương được. Khai thác thế nào, ai khai thác cần được tính toán hiệu quả kinh tế là cao nhất chứ không phải phục vụ cho một ngành. Khai thác khoáng sản phải nâng cao công nghệ lên, yêu cầu để được cấp phép cũng phải tăng lên.
 
Ngoài ra, theo tôi, việc cấp phép là một khía cạnh thôi, một mặt phải quan tâm làm sao tăng kiểm tra, giám sát cho hiệu quả, xem họ có khai thác đúng giấy phép hay không, tránh hiện tượng khai thác không phép nhưng cũng tránh cả khai thác vượt mức cho phép, tận diệt tài nguyên.
 
* Theo ông, có nên thống nhất lại tư duy theo hướng chế biến sâu được thì mới khai thác thay vì cứ khai thác để có ngoại tệ, có nguồn thu?
 
- Chúng ta đã nói cần tránh xuất khẩu thô nhưng cũng phải hạn chế ngay từ đầu khai thác thô. Ta phải cân đối giữa nhu cầu trước mắt và lâu dài. Đặc biệt khai thác lậu, nhỏ lẻ ngoài quy hoạch thường chỉ đem lại lợi ích cho nhóm người nhỏ.
 
Nhiều người nói nếu có khoáng sản lớn thì khai thác để dần nghiên cứu chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên. Nhưng tôi cho rằng nếu có trữ lượng tốt thì cần nghiên cứu để có thể khai thác, chế biến tốt trước, còn việc khai thác có thể tính toán chậm lại. Có tài nguyên chính là điều kiện quan trọng để ta nghiên cứu phát triển công nghệ chứ không phải chỉ là khai thác.
CẦM VĂN KÌNH (Tuổi trẻ) thực hiện