Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sonadezi Long Thành vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường

(13:10:34 PM 03/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Vào ngày 7/10/2011 Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi) bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường, phải khắc phục hậu quả và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường do các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường gây ra. Thế nhưng, ngày 2/11, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành) tại xã Tam An, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai lại tiếp tục xả thải ra môi trường…

 

Miệng cống xả nước thải từ hồ sinh thái chảy thẳng ra rạch Bà Chèo

  • Ngày đêm xả thải

Quyết định xử phạt của C49B buộc Sonadezi Long Thành phải dừng ngay việc đưa nước thải chưa qua xử lý từ các bể chứa của nhà máy xử lý nước thải tập trung vào hồ sinh thái vì công trình này không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Thế nhưng, trước mắt chúng tôi, dòng nước thải đen ngòm, nồng nặc mùi hôi thối vẫn ùng ục từ trong đường ống ngầm chảy vào hồ. Mặt hồ rộng hơn 3ha, có sức chứa 35.000m² vẫn đầy tràn thứ nước ô nhiễm được tiếp nhận suốt ngày đêm.

Hồ sinh thái có sức chứa hơn 35.000 m³ nước thải được Công ty CP Sonadezi Long Thành xây dựng trái phép nhằm mục đích chứa nước thải chưa qua xử lý sau đó xả ra rạch Bà Chèo.

 

Đi quanh hồ, chúng tôi phát hiện 2 đường ống xả có đường kính khoảng 40mm nối trực tiếp trong hồ qua hệ thống van xả rồi chảy thẳng ra rạch Bà Chèo. Từ đây, dòng nước đen đặc, hôi thối kia tiếp tục chảy ra sông Đồng Nai, tràn vào đồng ruộng, vườn cây và hàng trăm hộ dân thuộc các ấp 2, 3 xã Tam An.

 

Ông Nguyễn Văn Trai, ngụ ấp 2, cho biết: “Những ngày qua, lợi dụng đợt triều cường, Sonadezi xả cả ngày lẫn đêm. Trước kia, họ xả ra đường cống lớn nằm dưới đáy hồ một ngày vài tiếng. Còn hiện nay, khi C49B yêu cầu bịt đường cống lớn này lại, họ xả ra hai đường ống nhỏ và xả cả ngày lẫn đêm. Chiều tối, triều cường làm tràn bờ, dòng nước đen đặc ô nhiễm cũng theo vào nên nhà nào cũng phải đóng cửa vì không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc”.

 

  • Hệ thống ngầm vẫn hoạt động?

Ông Nguyễn Văn Trai cùng người hàng xóm tên Sơn lấy thuyền máy đưa chúng tôi ra rạch Bà Chèo để tận mắt chứng kiến dòng nước ô nhiễm không ngừng chảy suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Trai và Nguyễn Văn Sơn (ngụ ấp 2, xã Tam An) đang tìm cách khóa van không cho nước thải chảy từ hồ sinh thái ra rạch Bà Chèo.

 

Từ rạch Bà Chèo, theo đường nước từ hồ sinh thái chảy ra, chúng tôi cập bờ. Ông Trai tiến lại hai miệng ống xả tìm cách vặn tay quay cánh van chặn dòng nước đen lại nhưng bất thành.

 

Lần tìm đường ống phía bên trong hồ sinh thái, chúng tôi phát hiện tay quay cánh van nằm sát mặt hồ. Đây chính là hệ thống vận hành xả thải từ hồ sinh thái ra môi trường đáng lý phải được tháo dỡ theo quyết định xử phạt của C49B. Phía trên cánh van xả này là tủ điều khiển miệng cống xả nằm sát đáy hồ mà theo một điều tra viên của C49B, Sonadezi Long Thành đã cam kết đóng lại từ hơn 2 tháng nay. Thế nhưng, tủ điều khiển dù đã được khóa bằng hai ổ khóa nhưng không thấy có dấu niêm phong.

 

Như vậy, rất có thể, hệ thống xả thải ngầm này vẫn hoạt động mới có thể tiêu thoát được gần 10.000m³ nước thải/ngày đêm từ các nhà máy trong KCN Long Thành xả ra, trong khi tuyến kênh dẫn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy xử lý nước thải tập trung nằm cách hồ sinh thái vài chục mét hầu như không hoạt động, không thấy dòng chảy đưa nước thải đạt tiêu chuẩn ra rạch Bà Chèo và sông Đồng Nai như quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải mà C49B bắt buộc phải thực hiện.

 

  • Buông lỏng hậu kiểm

Để giám sát việc thực thi các biện pháp khắc phục hậu quả xả thải ra môi trường, C49B yêu cầu Sonadezi Long Thành phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại cửa xả trước khi xả vào hồ sinh thái để quan trắc liên tục đối với các thông số COD, độ màu, pH, DO, TSS và lưu lượng nước thải.

 

Một đoạn rạch Bà Chèo nước đục ngầu ô nhiễm, cây lá chết cháy vì ô nhiễm.


Thế nhưng, như xác nhận của ông Trương Ngọc Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai, tới thời điểm hiện nay, Sonadezi Long Thành vẫn chưa thực hiện. Ông Trương Ngọc Quang cũng cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã thành lập tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với Sonadezi Long Thành, bao gồm đại diện thanh tra môi trường, chi cục bảo vệ môi trường, cảnh sát môi trường, công an, chính quyền địa phương…

 

Ông Trương Ngọc Quang nói: “Hàng ngày, tổ phân công người trực và yêu cầu phía Sonadezi Long Thành báo cáo thường xuyên việc khắc phục hậu quả, cũng như chấp hành đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường mà các cơ quan chức năng đề ra”.

 

Không hiểu hoạt động của tổ giám sát như thế nào và công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đối với việc xử lý các sai phạm của Sondezi Long Thành tới đâu? Chỉ biết rằng, hàng ngày, hàng ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy trong KCN Long Thành vẫn “vô tư” chảy ra môi trường.


 
 

Ngày 20-10, 57 hộ dân bị ảnh hưởng đã kéo đến UBND xã Tam An, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đòi rút lại các đơn khiếu nại để chuyển thẳng lên UBND tỉnh Đồng Nai.Người dân yêu cầu Tổng Giám đốc Sonadezi Long Thành phải giải thích rõ có đền bù hay không đền bù.

Ông Trần Văn Niên, ngụ ấp 1, xã Tam An chỉ đường nước thải từ hồ sinh thái chảy vào vườn cây. Chỉ vài ngày nữa, vườn cây ăn trái của ông sẽ trụi lá và chết khô vì nước thải ô nhiễm từ hồ sinh thái xả ra.

Theo người dân, rạch Bà Chèo ô nhiễm là do nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành (thuộc Sonadezi Long Thành, là công ty nhà nước do UBND tỉnh Đồng Nai quản lý) xả thải và đã bị lực lượng công an bắt quả tang và xử phạt vi phạm. Do đó, Công ty Sonadezi Long Thành và UBND tỉnh Đồng Nai phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân.

Ông Võ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam An, cho biết, 57 hộ dân đưa yêu cầu trong vòng 1 tháng, đến 20-11, nếu cơ quan chức năng và Công ty Sonadezi Long Thành không giải quyết bồi thường hoặc hỗ trợ thiệt hại, bà con sẽ lấp miệng cống xả thải của nhà máy xử lý nước thải KCN Long Thành.

UBND xã Tam An đã nhận được 241 đơn của người dân gửi đến yêu cầu Công ty Sonadezi Long Thành bồi thường hơn 15 tỷ đồng.

 
 


Hoài Nam - Lê Long (SGGP)