|
Các cổng giao dịch với thao tác lằng nhằng, đánh đố ngay cả đối với người dùng Internet kinh nghiệm. |
Đâu là nguyên nhân?
Đang lúi húi thanh toán đống ứng dụng cho iPhone vừa mua tại AppStore, anh Thanh bỗng dưng nhận được thông báo giao dịch bị từ chối bởi lý do thẻ tín dụng của anh không thanh toán được, mặc dù anh đang sử dụng dịch vụ thẻ Mastercard, phân phối bởi ngân hàng Vietcombank.
Sau một hồi truy vấn lên tổng đài, anh nhận được thông tin rằng, thẻ Mastercard của anh thuộc loại Debit, không được phép thanh toán trực tuyến. Vietcombank sẽ không gửi mã CVV xác thực trực tuyến và từ đó giao dịch sẽ coi như không thành công.
Vậy là, ngoài việc bị trừ tiền oan, anh Thanh sẽ phải làm đơn khiếu nại gửi ngân hàng và chờ theo đúng thủ tục 45 ngày mới được hoàn tiền. Anh Thanh bức xúc cho biết: “Đúng là chỉ ở Việt Nam mới có kiểu phân biệt thẻ Mastercard Debit với Credit để bắt tội khách hàng như thế này".
Không chỉ riêng trường hợp anh Thanh mà đó còn là thực trạng chung cho cả bộ mặt giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Giao dịch vừa khó, thủ tục lằng nhằng, rủi ro cao và chưa kể đến việc hệ thống không đồng nhất là những rào ngăn cách khó gỡ.
Hiện tại có nhiều cổng thanh toán điện tử được lập ra như Bảo Kim, Ngân Lượng, Payoo hay Soha, tuy nhiên, những dịch vụ này như một thứ ma trận đánh đố mà ngay cả với người dùng Internet có kinh nghiệm cũng khó để tiếp cận chứ đừng nói tới mặt bằng chung người dùng Việt Nam.
Một đại diện cổng thanh toán điện tử (không muốn nêu tên) cho biết:"Làm thanh toán điện tử tại Việt Nam khó bằng lên trời. Ngoài việc làm truyền thông, phổ biến, hướng dẫn cho người dùng thì cái khó khăn nhất là kết nối với ngân hàng. Các ngân hàng lớn, số lượng người dùng thẻ ATM và có tài khoản ngân hàng cao thì lại rất 'chảnh', đòi chia tỷ lệ % lớn trên mỗi giao dịch thành công và chưa kể còn vô số yêu cầu khác".
Hiện nay, để thực hiện một giao dịch thanh toán qua mạng, người dùng sẽ phải trải qua các quy trình sau: chuyển tiền từ tài khoản của mình - cổng thanh toán trung gian/ ví điện tử - ngân hàng, nơi giữ tài khoản người dùng - người bán.
Vậy là vô hình chung, trong một giao dịch B2C, C2C sẽ có ít nhất 2 đơn vị đứng ở vai trò trung gian và chỉ cần 1 trong 2 đơn vị này không chấp thuận, giao dịch sẽ bị huỷ bỏ.
Theo lý giải của một chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán điện tử thì việc có mặt của các đơn vị cổng thanh toán giúp an toàn hơn trong các giao dịch trực tuyến. Nó sẽ đóng vai trò giao dịch tạm giữ và từ đó thay mặt người dùng thực hiện việc thanh toán đảm bảo với người bán. Tất nhiên trong trường hợp này, người mua và người bán sẽ phải chịu khoản phí cho cổng thanh toán trung gian.
Thực tế 3 năm trở lại đây, các cổng thanh toán mọc lên nhiều nhưng một vấn đề nhãn tiền là chúng quá khó để tiếp cận cũng như chưa thực sự thu hút người dùng. Ngay cả khi có sự tham gia của các nhà mạng trong nước như Viettel, VinaPhone thì xem ra hình thức ví điện tử vẫn là một thuật ngữ quá mới mẻ ngay cả đối với người có kỹ năng dùng Internet.
Chị Nguyệt Minh, một nữ nhân viên văn phòng hay làm từ thiện qua kênh trực tuyến cho biết: "Mình hay dùng dịch vụ chuyển khoản trực tuyến để chuyển tiền từ thiện vì quả thực mình chỉ có tấm lòng, rất ít thời gian để đến tận nơi. Tuy nhiên khi thử dùng các cổng thanh toán trung gian để gửi tiền thì lằng nhằng kinh khủng. Nào là phải có số thẻ, mã thẻ, và rồi vẫn phải lấy token qua SMS. Trong khi đó, gửi thẳng tiền từ tài khoản mình vào tài khoản hội từ thiện là xong. Vậy thì các cổng thanh toán kiểu đánh đố ấy để làm gì?".
Cùng chung câu hỏi ấy, rất nhiều người dùng thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng lớn trong nước đều cảm thấy khó hiểu khi cùng một loại thẻ VISA/Mastercard debit/credit nhưng của ngân hàng này thì mua được hàng từ Ebay, của ngân hàng khác thì không, ngang đánh đố người dùng thẻ.
Thanh toán điện tử - cứ chờ nhưng... biết đến bao giờ
Đây là nhận định của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khi mà tình trạng cửa quyền của một số ngân hàng và cách làm chụp giật của một số đơn vị thanh toán điện tử vẫn còn tồn tại.
Việt Nam mới được đưa ra khỏi điểm đen về thanh toán thẻ ảo (một hình thức rửa tiền của giới tội phạm ăn cắp thẻ tín dụng), do đó, việc để đưa nền thương mại điện tử vào một cuộc chơi mang tính chuyên nghiệp vẫn là một vấn đề hóc búa.
Phishing - lừa đảo trực tuyến làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Thương mại Điện tử VCCI thì: "Vấn đề không nằm ở chỗ cổng thanh toán mà là ở chính các ngân hàng. Việc các ngân hàng ăn chia với các cổng thanh toán theo tỷ lệ bao nhiêu, độ phủ rộng ra sao sẽ là yếu tố tiên quyết để kích thích thanh toán điện tử".
Thực tế thì trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng chỉ tập trung phát hành thẻ và kích cầu các dịch vụ trong phạm vi hoạt động của mình thay vì mở rộng hệ thống tới các dịch vụ mang tính liên kết như ngân hàng điện tử. Việc này khiến cho các kênh giao dịch trực tuyến trở thành những ốc đảo bởi chẳng phải tất cả mọi người dùng đều sở hữu các tài khoản ngân hàng có khả năng kết nối.
Một khách hàng A có tài khoản ngân hàng B cùng thẻ tín dụng sẽ chỉ có thể tìm đến các cổng thanh toán trong liên kết với ngân hàng này. "Lệch" ra tài khoản ngân hàng C thì sẽ không có khả năng thanh toán hoặc bị áp thêm mức phụ phí.
Chị Phương, cán bộ một liên doanh Việt Nhật cho biết: "Sang Nhật thấy dân người ta nhiều khi chẳng cần thẻ, chẳng dùng tiền mặt vì đi đến đâu quẹt di động là coi như hoàn tất giao dịch. Vừa tiện dụng, lại vừa đơn giản. Trong khi ở Việt Nam, rõ ràng ngân hàng bảo mua hàng bằng thẻ tín dụng thì không bị tính phí, vậy mà nhiều cửa hàng vẫn sẵn sàng tính 3,4% trên mỗi hoá đơn giao dịch bằng thẻ".
Vậy là trong suốt 10 năm phát triển các loại hình thẻ và thanh toán điện tử, có vẻ như Việt Nam vẫn còn tụt một bước khá xa so với các nước trong khu vực. Chúng ta kêu gọi, phát triển các hình thức thương mại điện tử, coi Internet là thị trường tiềm năng nhưng lại không hỗ trợ các giao dịch điện tử thì mọi nỗ lực trước và sau sẽ trở nên sáo rỗng. Vậy thương mại điện tử Việt Nam sẽ đi về đâu hay sẽ chỉ manh mún như mấy diễn đàn rao vặt, bán lẻ C2C mà thôi?