Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cao Bằng và Bắc Kạn thi nhau “làm thịt” khoáng sản

(09:37:33 AM 01/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 30-8-2011 tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước đến khi có chỉ đạo mới.Tuy nhiên đến tháng 10, việc khai thác khoáng sản tại một số khu vực trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn vẫn còn rầm rộ.

Đào vàng trái phép trên lưu vực sông Hiến thuộc địa phận huyện Thạch An, Cao Bằng khiến con sông bị cày xới như... B52 rải thảm - Ảnh: LÃNG QUÂN
 
Tại bản Ma Nòn, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn - một trong những vùng được coi là nơi có địa hình hiểm trở, không phải phương tiện nào cũng vào được tận bản. Nhưng khi có vàng, cung đường hiểm trở này bỗng trở nên nhộn nhịp, tấp nập “công nhân” ra vào.
 
Đào bới rồi đi
 
"Suốt chiều dài hơn 30km từ thị xã Cao Bằng đến đầu nguồn của con sông này thuộc xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tất cả nơi có nguồn nước chảy chỉ toàn một màu bùn đỏ"

Dù khai thác trái phép nhưng có điểm làm vàng tại đây rộng tới cả hecta, tất cả đều bị đào bới tan nát với hàng chục đội, hàng chục máy xúc, máy đào. “Hầu hết các xã trên địa bàn huyện chỗ nào cũng có điểm khai thác trái phép, bịt được chỗ này thì bùng ở chỗ khác.

 

Đến giờ cả huyện đã mất hơn 20ha đất sản xuất của các hộ dân vì kiểu khai thác trái phép này” - ông Đinh Quang Hiếu, bí thư Huyện ủy Ngân Sơn, cho biết. Tương tự tại địa bàn huyện Na Rì, khá nhiều điểm khai thác vàng trái phép trang bị máy xúc, máy ủi hoạt động nhộn nhịp dọc tuyến sông Bắc Giang.

 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bắc Kạn vào cuối tháng 7-2011, toàn tỉnh có 60 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có năm giấy phép do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp, 55 giấy phép còn lại do UBND tỉnh cấp. Trong hai huyện Ngân Sơn và Na Rì - những nơi được xem là có trữ lượng khoáng sản lớn nhất nhì trong tỉnh, chỉ riêng huyện Na Rì đã có tới 18 mỏ được cấp phép khai thác với đủ loại khoáng sản như vàng, đồng, antimon và đá vôi. Tuy nhiên, vấn đề nan giải của “hậu khai thác” là né tránh việc hoàn thổ trả đất cho địa phương. Điển hình là trường hợp của mỏ vàng Tân An, xã Lạng San (Na Rì).
 
Sau khi được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn khai thác vàng tại mỏ Tân An từ năm 2003-2008 trên tổng diện tích 15,9ha. Tháng 5-2008, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, thực hiện phương án hoàn thổ trong quý 1-2009, tạo mặt bằng và phải thực hiện rải lớp đất màu dày 30cm trên toàn bộ diện tích. Tuy nhiên đến thời điểm tháng
 
10-2011, chỉ tính riêng mỏ vàng Tân An, tỉnh Bắc Kạn đã “linh động” gia hạn ba lần về tiến độ hoàn thổ, trong đó lần gia hạn gần đây nhất lưu ý thời điểm 31-10-2011 là thời hạn cuối cùng phải hoàn thành, nhưng đến thời điểm này toàn bộ diện tích 15,9ha tại mỏ vàng Tân An vẫn đang ngổn ngang thùng vũng và các bãi thải.
 
Tương tự, tại một loạt mỏ đá ở Lũng Rào (xã Cư Lễ), Kéo Phậu Phia Van (xã Hữu Thác), Khưa Trạng, Thôm Ỏ (xã Lam Sơn), theo UBND huyện Na Rì, tất cả mỏ đá đều có chuyện “xé rào” với giấy phép khai thác khi lắp thêm các thiết bị dây chuyền khai thác không đúng với đề án ban đầu được phê duyệt.
 
Ô nhiễm ở lại
 
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh thừa nhận: “Bây giờ thực hiện chủ trương dừng cấp phép để các địa phương và bộ, ngành cùng rà soát chấn chỉnh về hoạt động khoáng sản là rất đúng và kịp thời. Hai năm qua, Cao Bằng đã đánh giá được các vấn đề bất cập trong cấp phép và hoạt động khoáng sản nên không cấp mới thêm một giấy phép nào”.

Tốc Lù trong ký ức của người dân thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì trước đây là một thung lũng phì nhiêu với những nương ngô xanh mướt, bây giờ nơi đây trở thành một thung lũng “chết” với ngổn ngang hố, thùng ngập trắng nước.

 

Ông Nông Danh Hiển, phó chủ tịch UBND huyện Na Rì, cho biết khi tỉnh Bắc Kạn cấp phép cho Công ty cổ phần Tấn Thành khai thác vàng tại mỏ Tốc Lù, lúc đó chưa có quyết định công nhận nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên.
 
Tuy nhiên, việc cấp phép cho khai thác vàng trên tổng diện tích 9,5ha tại mỏ Tốc Lù khiến khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ bây giờ bị tàn phá ngay trong vùng lõi. “Nếu theo giấy phép, sau khi hết thời hạn khai thác, đóng cửa mỏ năm 2008 thì đầu năm 2009 Công ty Tấn Thành thực hiện hoàn thổ trả đất cho người dân sản xuất nhưng công ty không thực hiện, đến giờ vẫn biệt tăm” - ông Hiển cho biết.
 
Tại tỉnh Cao Bằng, tuyến sông Hiến suốt bao năm qua luôn được coi là điểm nóng ô nhiễm về môi trường do khai thác vàng hủy hoại nguồn nước. Suốt chiều dài hơn 30km từ thị xã Cao Bằng đến đầu nguồn của con sông này thuộc xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tất cả nơi có nguồn nước chảy chỉ toàn một màu bùn đỏ, nguồn nước đặc sánh bùn thải. Trong số hơn 40 giấy phép khai thác khoáng sản chủ yếu khai thác quặng sắt, chì, kẽm và vàng còn hiệu lực đến thời điểm hiện nay, dù UBND tỉnh Cao Bằng đã quyết định đình chỉ, không gia hạn nhiều điểm khai thác khoáng sản tại huyện Thạch An, đặc biệt là khu vực đầu nguồn sông Hiến, nhưng những hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự tại những điểm mỏ này, theo lãnh đạo huyện Thạch An, vẫn sẽ để lại những hậu quả về lâu dài.
 
Tại mỏ vàng Phiêng Đẩy, phó chủ tịch UBND xã Quang Trọng Lô Văn Phòng cho biết: “Toàn bộ khu đất mỏ đều là đất rừng. Ban đầu diện tích mỏ khai thác chỉ có 4ha nhưng sau đó mới được nâng lên gần 7ha”. Chỉ dẫn nhiều điểm mỏ giờ còn trơ trọi toàn đá, ông Phòng kể: “Trước đây những khu vực này là đồi, núi, rừng, sau khi được khai thác vàng thì những mảng đồi bị xẻ, núi đá bị khoét rỗng. Vì điểm mỏ này là khu đầu nguồn nước sông Hiến, khi xẻ đồi, khoét núi thì bùn đất được đưa về bãi chứa trong đập ngăn. Nhưng nguy hiểm nhất là khi có mưa, có lũ, lúc đó nước thải, thậm chí có thể cả bùn thải, đều có nguy cơ tràn xuống suối chảy ra sông Hiến” - ông Phòng nói.
 
Theo lãnh đạo xã Quang Trọng, dù giấy phép cấp cho Công ty TNHH Bảo Phát được khai thác vàng tại điểm mỏ Phiêng Đẩy có thời hạn ba năm từ 2009-2012, nhưng đến tháng 4-2010 tỉnh phải đình chỉ khai thác vì những ảnh hưởng và vi phạm về môi trường. “Hơn một năm rưỡi qua, dù đã đình chỉ khai thác nhưng nhiều vấn đề tại mỏ Phiêng Đẩy vẫn để lại hậu quả. Môi trường nước sông Hiến bị ô nhiễm từ điểm mỏ này và nhiều điểm khai thác trái phép khác thì ai cũng thấy. Còn vấn đề an ninh trật tự đến giờ huyện vẫn phải chi mỗi tháng 20 triệu đồng cho các lực lượng của huyện nằm tại mỏ để ổn định tình hình. Hơn một năm rưỡi phải chi như vậy nên ngân sách đến giờ cũng cạn cả rồi” - chủ tịch UBND huyện Thạch An Lê Văn Chính nói.
X.LONG - THÂN HOÀNG (Tuổi trẻ)