Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trồng cây biến đổi gen, còn nhiều lo ngại

(09:18:40 AM 01/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Cây trồng biến đổi gien (BĐG) là một thành tựu sinh học giúp tăng sản lượng nông nghiệp, đã được Chính phủ cho phép trồng thử nghiệm và có thể trồng đại trà vào năm sau. Thế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến phản đối.

 

 
Giống ngô biến đổi gien đang được trồng khảo nghiệm trên diện rộng tại VN - Ảnh: Quang Duẩn

 

 

Lo ngại phụ thuộc

 

Không phủ nhận những tiến bộ về công nghệ sinh học của cây trồng BĐG nhưng nhiều nhà khoa học lẫn một số tổ chức phi chính phủ trong nước vẫn phản đối việc áp dụng cây trồng này tại VN.

 

 

 
Đến nay đã có 29 quốc gia trồng giống cây này với tổng diện tích cây trồng BĐG trên thế giới là 149 triệu ha, trong đó 3 loại cây trồng chiếm diện tích lớn nhất là đậu tương (73,3 triệu ha), ngô (46,8 triệu ha) và bông vải (21 triệu ha). Hiện đã có 59 nước sử dụng sản phẩm BĐG làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.
 

 

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, cho biết: “Qua các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế mà tôi tham dự, nhiều nhà khoa học rất lo lắng về những tác hại và rủi ro, tập trung 3 vấn đề môi trường, sức khỏe con người và kinh tế.

 

Theo một số nghiên cứu, phấn hoa của cây trồng BĐG bay sang các vùng lân cận làm giảm hiệu lực của thuốc trừ sâu, làm sâu bệnh có sức đề kháng và biến chủng mạnh hơn. Về kinh tế, khi đã trồng giống BĐG thì phải liên tục mua hạt giống của các công ty sản xuất, cụ thể là các công ty của Mỹ. Hạt ngô BĐG không thể trồng lại cho mùa sau được nên lệ thuộc hoàn toàn vào công ty sản xuất giống”.

 

Tại cuộc hội thảo khoa học mới đây do Quỹ Hòa bình và Phát triển phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật VN tổ chức, nhiều nhà khoa học cũng bày tỏ sự lo ngại. Bà Lê Thị Phi Vân (Viện chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng: “Một số ít công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đang nắm quyền sáng chế, phân phối giống BĐG, khiến cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ để đạt mục tiêu lợi nhuận. Năm 2010, doanh thu bán hàng của Công ty Monsanto là 10,5 tỉ USD, lợi nhuận ròng 1,1 tỉ USD; doanh thu của Công ty Syngenta là 11,6 tỉ USD, lợi nhuận 1,4 tỉ USD. Khoản thu nhập hấp dẫn do cây trồng BĐG mang lại khiến các công ty này tìm nhiều cách để thuyết phục, gây sức ép cho nhiều quốc gia đưa vào sản xuất đại trà".

 

 

 

 

Cây trồng trong hoàn cảnh khó khăn

Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp, cho biết: “Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở VN sẽ tăng lên 3 độ C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (năm 2007), Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa ĐBSCL bị ảnh hưởng, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ... Chưa kể dân số VN sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2020. Vì vậy, cây trồng BĐG là đối tượng cây trồng có thể khắc phục trong hoàn cảnh khó khăn này, đảm bảo an ninh lương thực”.

 

 

Đại diện Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan, tỏ ra lo lắng bởi hiện nay chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm BĐG không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người.

 

Theo ông Phan, việc nghiên cứu, đưa sản phẩm BĐG ra thị trường mất nhiều thời gian, tiền của làm cho giá giống cây trồng tăng lên. Nông dân các nước nghèo và đang phát triển như VN sẽ không chịu nổi. Mặt khác, họ sẽ phải phụ thuộc lâu dài vào các công ty giống trong khi không thể quay trở lại với giống cây cũ do môi trường sinh thái đã biến đổi.

 

Không áp dụng với cây xuất khẩu chủ lực   

 

Những ý kiến phản biện như trên đang làm “nóng” lên cuộc tranh luận xung quanh cây trồng BĐG, nhất là trước thời điểm loại cây trồng này đang chuẩn bị bước vào giai đoạn sản xuất đại trà. Trước một quyết định có tính ảnh hưởng to lớn như vậy thì sự thận trọng tất nhiên sẽ không thừa.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết: “Các cơ sở pháp lý để sử dụng giống cây trồng BĐG ở VN đã được xây dựng và tương đối hoàn chỉnh, lộ trình sử dụng giống cây trồng này cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và thận trọng. Trước mắt, Bộ chỉ cho phép khảo nghiệm 3 loại cây là ngô, đậu và bông vải, đây là 3 loại cây BĐG trên thế giới trồng nhiều và cũng là sản phẩm mà VN phải nhập khẩu số lượng lớn. Đồng thời hiện Bộ không có chủ trương phát triển cây trồng BĐG đối với nhóm cây xuất khẩu chủ lực của VN như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, chè, cây ăn quả…”.

 

Theo ông Bổng, thái độ dứt khoát từ chối hoặc tiếp thu một cách dễ dãi, tùy tiện đều chưa phải là cách tiếp cận hay. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học VN nên đồng thuận phương thức tiếp cận đối với giống cây trồng BĐG một cách tích cực nhưng thận trọng, tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, tranh thủ kinh nghiệm của các nước.

  

 Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước:

 

“Công nghệ BĐG là một công nghệ cao, để có thể sử dụng thành tựu khoa học này có lợi cho đất nước, tôi đề nghị tạo điều kiện, tăng đầu tư cho các nhà khoa học, các công ty giống trong nước tiếp tục nghiên cứu tạo ra giống BĐG phù hợp với VN. Trước mắt chúng tôi đề nghị không nên sử dụng giống BĐG của các công ty đa quốc gia, nếu để lệ thuộc vào nguồn giống của họ thì sẽ rất nguy hiểm đến an ninh lương thực”.

 

PGS-TS Mai Quang Vinh (Viện di truyền nông nghiệp): 

 

“Sau 15 năm ứng dụng đại trà vào sản xuất, đến nay, nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân có uy tín cho thấy cây trồng BĐG chưa có một ảnh hưởng nào nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường của con người cũng như vật nuôi. Hiện tại, VN đang tiến hành các khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng theo đúng các nguyên tắc hiện hành trên thế giới và ở trong nước. Những cơ sở tiến hành khảo nghiệm đều đã được cấp chứng nhận và có sự tham gia của các bộ, ban ngành và sở trực thuộc. Đưa giống BĐG vào sản xuất ở VN cũng là để cọ xát cho các nhà khoa học, doanh nghiệp phấn đấu làm chủ công nghệ hiện đại. Bác bỏ công cụ này và những thành quả đạt được của công nghệ giống BĐG thì quả là chúng ta không muốn tiến thêm một bước hiện đại trên con đường khoa học”.

 

GS-TS Trần Hồng Uy - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô:

 

“Việc sử dụng ngô BĐG ở VN có thể giải quyết được nhu cầu thức ăn chăn nuôi hiện nay không? Suy nghĩ như vậy là ảo tưởng và thiếu thực tế. Ngô BĐG hoàn toàn không phải là cây đũa thần để giải quyết đưa sản lượng ngô ở VN lên nhanh. Nhiều công ty giống nước ngoài đang cổ vũ rất mạnh để VN mở rộng trồng ngô BĐG, điều này rất nguy hiểm”.

Quang Thuần (Thanh niên)