Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Con cá, cây cau, nhà tre dừa và chuyện thôn Cẩm Thanh

(21:30:59 PM 30/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Những ngư dân không chỉ sống bằng nghề biển mà còn đổi đời nhờ biết khai thác bền vững môi trường. Đó là chuyện ở thôn Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam.

Ông Trần Tú giới thiệu về rừng dừa nước - Ảnh: Hoàng Điệp

 
Vừa thấy khách lạ đến, ông Trần Tú (73 tuổi, thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) vồn vã bắt chuyện. Xởi lởi chỉ tay về rừng dừa, ông giới thiệu về những căn nhà bằng tre đang được mọc lên ngày càng nhiều ở Cẩm Thanh với giọng không khỏi tự hào.
 
Từ những cây cau “cứu đói”
 
Kể về cuộc sống ở ngôi làng xinh đẹp có những hàng cau thẳng tắp, trĩu trịt trái nhưng lại phát triển kinh tế nhờ dừa nước, ông Tú mở đầu: “Chúng tôi thiệt thòi lắm, bởi không có ruộng trồng lúa, màu”. Xã Cẩm Thanh (gồm tám thôn) thì chỉ có thôn 2 và thôn 3 là không có ruộng trồng lúa nước. Thế nên nghề chính của những thôn này là đi biển dù không sung túc lắm. “Mỗi hộ chỉ được phân cho 1 sào, cũng chẳng trồng cấy được cây gì nên chỉ để làm nhà. Ra khơi nhưng không có phương tiện đánh bắt xa bờ nên thu nhập của gia đình luôn thấp, thiếu ăn triền miên”.
 
Một trong những loại cây “cứu đói” được trồng ở Cẩm Thanh lâu nay chính là cây cau. Nhà nào cũng có vài chục đến vài trăm gốc cau. Không đem đến sự giàu có nhưng mỗi năm vườn cau cũng mang lại cho người dân một khoản thu nhập nhất định bổ sung cho những tháng không thể ra khơi. “Thế nhưng mấy năm gần đây cau bán chậm lắm, sản lượng giảm sút và giá thành cũng không được ổn định như xưa” - anh Huỳnh Văn Hùng ở xóm 2, xã Cẩm Thanh, tiếp lời.
 
Cũng chính vì thu nhập từ cau không còn đảm bảo cho cuộc sống nên nhiều người ra thành phố tìm việc: nấu ăn, đưa đón khách du lịch và bán hàng thuê.
Những buồng cau sai trĩu theo chân các thương lái ngược xuôi Nam - Bắc không làm khá hơn cuộc sống của ngư dân trong khi sản lượng cá đánh bắt được ngày càng ít đi, cho đến một hôm, khi một người ở Tam Kỳ tới Cẩm Thanh đặt một ngư dân làm cho họ ngôi nhà bằng tre dừa, giống như ngôi nhà ngư dân này đang ở.

Du ngoạn trong rừng dừa nước - Ảnh: Hoàng Điệp

 
Tất bật làm nhà tre dừa
 
Những ngôi nhà lợp bằng lá dừa có bốn mái sát xuống tận đất khá phổ biến ở Cẩm Thanh. Xuất hiện ở những làng xã ven biển Quảng Nam từ hàng trăm năm trước, nhà tre dừa làm thấp để tránh gió cát, mái dốc và thấp sát đất để tránh bão.
 
Ông Huỳnh Văn Đê, 53 tuổi, ở thôn 2, người nhận “đơn hàng” đầu tiên này, cho biết:  “Ở nhà tre dừa vừa mát mẻ vừa thân thiện môi trường. Chắc thế nên nhiều người đặt làm nhà tre lợp lá dừa. Rồi sau này du lịch phát triển mạnh, nhiều bãi biển sử dụng lá dừa làm chòi, các quán cà phê cũng làm những ngôi nhà bằng tre và dừa, Cẩm Thanh ngày càng đắt hàng. Những ngôi nhà bằng tre dừa không chỉ phổ biến ở Quảng Nam mà còn vào tận Tây nguyên hay ra Hà Nội”.
 
Đã giữa thu, tháng 10 mà ông Đê vẫn chưa ra khơi. Thời điểm giữa tháng 9 và tháng 10 hằng năm là lúc ngư dân của những xóm ven biển vào mùa đi biển. Vừa thoăn thoắt đan mành tre, ông vừa giải thích: “Tui phải làm xong mành này cho căn nhà ở Tam Kỳ. Người ta mua cả căn nhà với giá 100 triệu đồng, đang cần lấy nhà gấp. Sau ngôi này còn hai ngôi nữa, một ở Tam Kỳ và một ở Huế”.
 
Bên hông nhà, một chồng cao ngất những tấm lá dừa đã được kết dùng lợp mái. Trước cửa là rừng dừa nước vươn lên những chiếc lá xanh thẫm cùng mấy chiếc ghe nhỏ cập sát mép vườn. “Ghe chở khách đi du lịch sinh thái đó, bắt tôm cua cá và vào rừng dừa” - ông Đê tủm tỉm khoe.
 
Gia đình ông không phải là hộ duy nhất ở Cẩm Thanh làm nhà tre dừa để bán mà còn hàng chục hộ dân khác đã và đang làm công việc này. “Không phải mới - ông Đê bảo - Trước đây ông bà ta đã dùng lá dừa để làm nhà ở rồi bởi nhà gần biển tìm gỗ hay những vật liệu khác rất khó. Tùy loại thôi, từ vài chục triệu đến gần 200 triệu đồng/căn. Người mua có thể đặt nhà có độ bền từ 2-20 năm. Người làm cũng dựa vào đó mà tính tiền”.
 
Cách tính tiền nhà này phụ thuộc độ bền chắc của vật liệu, sự cẩn thận của những người thợ. “Tất cả mộng ghép đều là mộng tròn, phải dùng đục cẩn thận, còn các xà ngang, xà dọc, đòn tay đều được làm từ thân cây tre già, vách nhà được ghép bằng cật tre hoặc cẫng lá cây dừa tạo nên một màu nâu vàng đặc biệt. Bởi có nhiều công đoạn và nhiều loại vật liệu khác nhau từ bện mái, đan mành, làm khung, vách, dựng nhà nên mỗi căn nhà thường có 7-20 người tham gia thực hiện và chia thành nhiều công đoạn khác nhau” - anh Huỳnh Phước Cư, chủ một cơ sở làm nhà tre dừa, cho biết.
 
Anh  Huy, người thôn 2, vừa vót nan tre đan mành vừa nói: “Làm nhà dừa chủ yếu lấy công làm lãi, bởi tìm được việc có thu nhập ổn định là điều rất đáng mừng đối với người dân quanh năm vất vả nơi đây”. Bởi vậy mà chỉ trong hai thôn đã có 10 cơ sở làm nhà tre dừa (Huỳnh Văn Phiên, Phương Dũng, Võ Thắng, Trần Xê, Võ Tấn Mười...), tạo việc làm cho gần 300 lao động với thu nhập ổn định từ 1,5-3 triệu đồng/ tháng.
 
Chỉ ra cái lợi của nhà tre dừa, ông Đê nói toàn bộ căn nhà đều được làm từ nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và khá dồi dào: lá dừa, sợi mây và tre. Đó cũng là những vật liệu dễ phân hủy nếu tuổi thọ của chúng không còn. Còn một ngôi nhà bằng gạch nếu đập đi xây mới cũng thừa ra rất nhiều rác thải là gạch vữa. Có lẽ vì tính thân thiện này mà những ngôi nhà bằng tre ngà càng được ưa chuộng ở dải đất miền Trung chăng?
 
Du lịch dưới rừng dừa
 
Đường bêtông sạch đẹp, những hàng cau cao vút, thấp thoáng cạnh những căn nhà xây là nhiều ngôi nhà làm bằng tre dừa. Không chỉ có màu xanh của cây cau trong vườn mà Cẩm Thanh - nơi có rừng dừa nước rộng gần 50ha của TP Hội An - còn đẹp nhờ màu xanh của dừa dưới nước cùng những rặng ô rô được xén tỉa gọn gàng bên đường.
 
Dọc đường đi, cứ 200m có một thùng rác công cộng. Suốt chặng đường từ thôn 2 sang thôn 7 tuyệt nhiên không nhìn thấy chỗ nào có rác thải bừa bãi. Chúng đã được gom và chia loại từ trước khi bỏ vào thùng. Những đứa trẻ được chia kẹo, miệng há hốc hóng chuyện người lớn nhưng tay nắm chặt vỏ kẹo chờ đến chỗ có thùng rác.
 
Một nhóm du khách Việt tìm đến Cẩm Thanh tò mò với chuyến du lịch trong rừng dừa. Từ bến sông, 4-5 chiếc thuyền đang chờ khách của một tour du lịch mới đưa vào khai thác. Tour du lịch Cẩm Thanh sẽ gồm thử nghiệm đánh bắt cá, lội trong rừng dừa, bơi thuyền và kết thúc là bữa cơm trưa với một gia đình thôn dân. “Đơn sơ thế nhưng có vẻ như du khách tìm về đây ngày càng nhiều” - anh Chiến, người đưa đò của tour du lịch rừng dừa, cho biết.
 
Ông Trần Tú, sau khi đưa khách đi hết mọi nơi trong thôn, phấn khởi: “Nhà tui không làm nhà tre, cũng không đưa người đi du lịch vì vợ chồng tui già rồi. Thế nhưng tui có 1ha dừa, mỗi năm cũng cho tiền bán lá. Mỗi nhà mỗi nghề nên cuộc sống bây chừ đỡ cơ cực hơn xưa”.
 
Ông Đê vừa đan xong tấm mành tre, mở tủ lấy tấm lưới đánh cá ra đan lại những chỗ rách, xâu lại những mẩu chì bị mất từ vụ cá trước, nói khi tiễn khách: “Năm nay nhiều cá thu, tui đi đánh lấy vài chuyến. Nhà hàng xóm đã đi được một chuyến rồi đấy. Tui bận đan nốt cái mành này nên chưa đi được. Hôm nay vá lưới thì ngày mốt đi biển. Từ giờ đến hết tháng 10, chắc cũng được dăm vụ cá”.
 

Mỗi lần chỉ thu được 3 lá dừa/cây
 
Cái hay nhất ở Cẩm Thanh là người dân ý thức tất cả rác thải đều làm ô nhiễm môi trường, do đó họ luôn dọn dẹp, thu gom rác thải để dòng nước sạch sẽ. Như vậy sẽ bảo vệ được nguồn lợi thủy sản dưới nước.
 
Thứ hai, xã có quy định mỗi năm chỉ được thu lá dừa hai lần và mỗi lần ba lá/cây. Để tránh việc tận thu, xã tìm sinh kế cho người dân, hỗ trợ học nghề: ví như đan giỏ xách bằng lá dừa, làm hàng lưu niệm tôm con từ cây tre. Năm qua diện tích rừng dừa không ngừng tăng lên. Nếu không có vùng dừa này thì toàn bộ rác thải ở khắp nơi về sẽ ảnh hưởng nhiều đến vùng biển, thậm chí ảnh hưởng đến cả Cù Lao Chàm.
 
Khi môi trường nước được đảm bảo sạch sẽ thì tôm cá và các nguồn lợi thủy sản sẽ sinh sôi nảy nở không ngừng. Để bảo vệ nguồn tôm cá ấy Cẩm Thanh đã thành lập hai tổ tự quản: cấm đánh bắt cá bé, thường xuyên thu dọn rác trong rừng dừa và vận động bà con không tận thu các loài thủy sản khi chúng còn nhỏ chưa lớn đến độ được khai thác.
 
Ông LÊ NHƯƠNG
(chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thanh)

 

HOÀNG ĐIỆP (TTCT)