Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
|
Anh Somsida ở xóm Việt kiều xây bờ bao chắn cửa khi nước lũ chưa dâng tới nhà của mình |
Xóm Việt kiều ở cuối đường Sam Sen, gần trung tâm hành chính Bangkok, nước mỗi lúc một dâng, người dân vận động nhau góp tiền mua bao cát về làm đê bao |
9g sáng, chúng tôi bước vào đầu ngõ Sam Sen. Lẽ ra vào ngày thứ bảy hằng tuần là lúc mà những Việt kiều ở đây đang lo chuẩn bị cho buổi họp chợ Việt Nam đông đúc vào sáng chủ nhật như thường lệ, nhưng hôm nay phần việc ấy phải gác lại nhường chỗ cho việc xây tường ngăn lũ trước cổng, trước bậc thềm, kê đồ đạc khi nước sông Chao Phraya đã tràn vào như thác.
Cả xóm chống lũ
“Lụt thì lút cả làng thôi” - bà Hoàng Thị Liên, nhà ở số 41/2 ngõ Sam Sen, ngồi bó gối thở dài nói bằng tiếng Việt rất rõ ràng khi gặp chúng tôi. Sang đây gần 70 năm, ở tại khu Sam Sen này, bà Liên nói chưa từng thấy lũ nào lớn như năm nay. Con trai bà, có tên Thái là Somsida, đang xây bờ bao trước cửa để ngăn lũ. Anh Somsida nói: “Cả xóm này hơn 400 hộ người Việt thì đã có gần một nửa bị ngập hai ngày rồi. Mai chắc sẽ đến nhà mình, không xây thì không kịp”.
Càng lội xa vào trong các hẻm, phía gần bờ sông Chao Phraya thì nước càng sâu, có đoạn đến quá gối và chảy khá xiết. Gần như các bức tường làm bằng bao cát hay xây gạch của những gia đình Việt kiều ở phía trong đều không còn chịu được sức nước của lũ nên nước tràn vào nhà lênh láng. Từ nhà này qua nhà khác đã xuất hiện những chiếc cầu bằng ván chênh vênh vừa mới được kê tạm để có thể qua lại với nhau.
Trước nhà thờ Wat Khomsepsu, gần mười bà con Việt kiều đang cố đắp thêm mấy lớp bao cát trên con đê đã có từ trước đó. Đây là khu vực ngập nặng nhất của xóm Việt kiều khi các nhà đều xây áp lưng vào sông Chao Phraya. Anh Somsida dẫn chúng tôi ra sát bờ sông, nơi trạm bơm thoát lũ đang chạy hết tốc lực và lắc đầu: “Nước phía ngoài sông đã cao hơn phía trong đê bao 1m, xóm Việt kiều mình chắc sẽ ngập sâu trong mấy ngày tới”.
|
Vợ chồng ông Phanchon (tên Việt là Thành) lo lắng ngồi nhìn ra dòng nước khi nhà của ông kế bên dòng sông Chao Phraya. Con ông đi làm ăn xa không có nhà |
Cũng như cảnh lũ lụt thường thấy ở quê nhà, nước dâng đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy với Việt kiều ở Sam Sen. Vợ chồng ông Phanchon (tên Việt là Thành) đang lội ủng bì bõm trong nhà để nấu ăn trưa, âu lo: “Con trai tôi đi làm tận Bang Bua Thong, lũ ở đó còn lớn hơn nên không về được. Nếu lũ còn tiếp tục lên thì vợ chồng già này không biết phải làm sao”.
Ông Phanchon cho biết xóm Sam Sen có rất đông người già vì con cái đã đi làm ăn ở một số tỉnh khác, vì vậy nếu đê bao tiếp tục vỡ thì đồ đạc chắc chắn sẽ hư hại và cũng không biết di tản đường nào. Sâu nữa phía trong một ngách nhỏ, bà cụ Somkit (tên Việt là May) đang nằm thở dốc trong căn nhà bé tí. Bà cụ bị bệnh nặng nhưng con trai của cụ phải để mẹ ở nhà chăm sóc vì bệnh viện còn ngập nước sâu hơn cả khu Sam Sen.
Bà Quý, chủ một quán ăn Việt Nam trên đường Ranathakit 21, cho phóng viên Tuổi Trẻ biết doanh số của cửa hàng bà chỉ còn chưa tới 20% so với ngày thường. “Như tôi còn đỡ, nhiều bà con Việt kiều lao động phổ thông hay buôn bán nhỏ thì cả tháng nay chẳng làm ăn gì được, nhiều người phải đi mưu sinh tạm thời ở Hatyai, Hua Hin... tận phía nam Thái. Chủ nghỉ thì họ cũng phải nghỉ chứ biết làm gì. Nay nước sắp tràn vào nhà nữa thì thật sự cam go, không biết mấy ngày chủ nhật tới có họp chợ được không” - bà Quý lo lắng.
Bà Chachai (tên Việt là Hoa) nấu bữa trưa trên dòng nước lũ |
Nghĩa đồng bào
Trừ người già, phần lớn Việt kiều ở Sam Sen đều không nói được tiếng Việt khi đã là thế hệ Việt kiều thứ ba, thứ tư trên đất Thái Lan. Nhưng trong lũ lụt, nghĩa đồng bào vẫn được họ thể hiện, bảo bọc nhau.
Sáng 29-10, khi đến nhà cụ Somkit chúng tôi đã gặp nhóm phụ nữ Việt kiều do chị Nanpen (tên Việt là Hoài) làm trưởng nhóm đến gửi cho cụ một số thực phẩm. Không chỉ mình cụ Somkit mà tất cả bà con Việt kiều có hoàn cảnh neo đơn, người già có nhà bị ngập nước đều được các chị mang thực phẩm đến giúp đỡ.
Sinh ra trên đất Thái, chị Nanpen bảo có nghe người Việt mình có câu gì đó căn dặn con cháu giúp nhau trong hoạn nạn, không diễn tả được bằng lời nhưng việc làm thì ai cũng biết. Số tiền mua thực phẩm là do cả xóm góp lại, nhà có điều kiện thì một ngàn, vài trăm baht, nhà ít thì vài chục baht. Rồi gom lại cho đàn ông khỏe mạnh đi đến các siêu thị mua hàng về, thấy nhà ai cần thì mang đến giúp.
Ngoài việc giúp đỡ những người neo đơn, người Việt ở Sam Sen cũng khá chủ động trong việc chống lũ. Anh Somsida cho chúng tôi biết không chỉ các bao cát đắp trước cổng nhà, bậc thềm mà cả bao cát đắp cho đê bao phía ngoài bờ sông Chao Phraya cũng đều do bà con tự gom tiền mua cát, mua bao rồi góp công đắp lên. Cả khu Sam Sen hiện có rất nhiều tổ chống lũ tự thành lập của bà con Việt kiều. Bất cứ lỗ mọt nào từ đê bao bị bục nước, hoặc gia đình nào neo người chưa kịp kê đồ đạc đều được các tổ này hỗ trợ. “Bà con người Việt thì phải tự cứu nhau trước, mình không thể đợi chính phủ vì cả Bangkok này còn có nhiều nơi ngập nặng hơn” - anh Somsida bày tỏ.
Và câu chuyện chống lũ của người Việt tại Sam Sen không chỉ dừng lại trong khu vực của mình. Chị Nanpen chỉ vào cô con gái học trung học đang đi cùng với nhóm phụ nữ đến giúp người già trong xóm và cho biết con chị cũng là một tình nguyện viên giúp đỡ nạn nhân lũ lụt tại Trung tâm ứng cứu lũ lụt FROC ở sân bay Don Muang. Con gái của chị Nanpen ở nhà để chống lũ, khi tình hình yên ổn có thể sẽ trở lại FROC. Nơi đó, không chỉ cô mà một số sinh viên Việt kiều khác ở Sam Sen cũng đã có mặt để làm công việc như rất nhiều người Thái khác đang chung sức vượt qua cơn lũ dữ.