Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng) chính thức khởi công xây dựng vào ngày 1-6-2010, do Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (GSC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng, được xây dựng trên sông Nam và sông Bắc - vốn là 2 nhánh cấp 1 của sông Cu Đê (Đà Nẵng), gồm 3 nhà máy thủy điện Sông Bắc 1, Sông Bắc 2 và Sông Nam với tổng công suất lắp máy 49,2 MW. Thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Sông Bắc 2 vào năm 2013, hoàn thành cụm nhà máy thủy điện Sông Bắc 1, Sông Nam và hòa vào lưới điện quốc gia là năm 2014.
Lo mất việc làm, sợ hứng lũ
Tuy nhiên, ngay từ khi TP Đà Nẵng đồng ý cho xây dựng thủy điện Sông Nam - Sông Bắc, đã có không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực mà dự án có thể gây ra đối với môi trường cũng như việc làm của người dân trong khu vực dự án. “Việc giao đất để làm thủy điện, chúng tôi sẵn sàng chấp hành nhưng chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết việc làm để người dân ổn định cuộc sống” - anh Bùi Văn Hiếu, một người dân ở xã Hòa Bắc, nói.
Người dân xã Hòa Bắc thấp thỏm bên khu vực quy hoạch thủy điện Sông Nam - Sông Bắc
Ông Hồ Tấn Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết toàn xã có hơn 100 ha đất sản xuất của 70 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch làm thủy điện. Trước nay, người dân chỉ biết làm nương rẫy, bám vào rừng kiếm sống nên rất khó xoay xở để chuyển đổi nghề. Vì vậy, bài toán giải quyết việc làm cho họ cần phải ưu tiên hàng đầu. Xã đã kiến nghị TP Đà Nẵng tìm đất sản xuất khác để cấp cho người dân.
Người dân sống dọc sông Cu Đê cũng thấp thỏm lo tình trạng hứng lũ khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Lòng sông Cu Đê hẹp, hai bên núi cao nên mỗi khi có mưa lớn là nước thượng nguồn ào ạt đổ về khiến mực nước sông dâng lên rất nhanh. Nếu cùng lúc đó, thủy điện cũng xả lũ thì người dân vùng hạ lưu chắc chắn sẽ bị nhấn chìm. Thực tế, năm nào cũng vậy, hễ có mưa lũ là hơn 100 hộ dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang phải di chuyển đến nơi khác để tránh lũ.
Tiền trảm hậu tấu
Điều khó hiểu là mặc dù việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được hoàn thiện, đồng nghĩa rằng chưa thể đánh giá được hết tác hại xấu đến môi trường nhưng từ một năm trước, dự án đã được chủ đầu tư khởi công. Cách đây vài hôm, chúng tôi đến thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (địa điểm xây dựng thủy điện Sông Nam - Sông Bắc) và chứng kiến đơn vị thi công đã phá nhiều hecta rừng để mở đường, xây dựng trụ điện.
Cách làm này chẳng khác nào “tiền trảm hậu tấu” bởi theo tờ trình 539 của UBND TP Đà Nẵng ký ngày 5-9-2011 gửi Bộ NN-PTNT về việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất lâm nghiệp, dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc do GSC làm chủ đầu tư có gần 948,41 ha, trong đó có đến 239,69 ha là đất rừng đặc dụng chưa chuyển sang mục đích khác để xây dựng các công trình phụ trợ và công trình chính của dự án.
Sau khi nhận được tờ trình nói trên, ngày 30-9-2011, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị đã ký công văn phúc đáp, trong đó nêu rõ: Diện tích đất rừng đặc dụng mà UBND TP Đà Nẵng xin chuyển đổi để xây dựng thủy điện Sông Nam - Sông Bắc lên đến 239,69 ha, trong khi khoản 2, điều 3 và khoản 3 điều 10 của Nghị quyết số 49/2010 của Quốc hội quy định rõ: Nếu muốn chuyển đổi sử dụng đất từ 50 ha rừng đặc dụng trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định. Vì vậy, nếu muốn tiếp tục triển khai dự án thủy điện này, Bộ NN-PTNT yêu cầu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng và chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án, đánh giá hết tác động của môi trường và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định có tiếp tục xây dựng thủy điện hay không.