Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân vớt tôn cũ nổi trên mặt hồ Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ |
Ngày 27/10, dưới mưa gió, hàng chục người dân sống ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chèo ghe bì bõm để vớt những vật dụng của gia đình còn sót lại sau vụ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước bất ngờ vào rạng sáng 20/10.
Tích nước bất ngờ
Bà Bùi Thị Điệp, 48 tuổi, một trong 18 hộ dân chạy lánh nạn lúc nửa đêm trước khi nước dâng ngập nhà, ngậm ngùi kể lại: “Lúc đó khoảng 3 giờ sáng, cả nhà tôi đang ngủ thì nước dâng lên. Mới tích tắc, mọi thứ đã chìm trong biển nước, mọi người phải lũ lượt kéo nhau chạy ngược lên phía bìa rừng tránh lũ. Đến sáng hôm sau nước đã nhấn chìm căn nhà của tôi, mọi thứ nằm trong đáy lòng hồ. Chúng tôi may mắn thoát chết”.
Theo bà Điệp, trước đó vài ngày người dân trong lòng hồ được chính quyền huyện Nam Trà My triệu tập một cuộc họp thông báo di dời khẩn cấp vì bão lũ. “Nhưng chúng tôi được biết là thủy điện sẽ đóng nước. Họ nói bão lũ giữa lúc trời đang nắng là nhằm di dời chúng tôi ra khỏi nơi cư trú. Mọi thứ đang tranh chấp, tôi nghĩ họ không ra tay...” - bà Điệp nói.
Ông Huỳnh Ngọc Trác, người cùng chạy lũ đêm 20/10, bức xúc: “Khi mọi việc đang chờ tòa án giải quyết thì nhà đầu tư đóng nước ngập chìm tất cả. May mắn chúng tôi thoát chết. Tại sao họ hành xử với chúng tôi như vậy?”. Theo ông Phan Văn Bửu, một trong 18 hộ dân trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, nếu việc đền bù xứng đáng, người dân đã di dời từ lâu. Còn nếu việc tòa án phán quyết người dân sai trái, chây ì không đi, chính quyền có thể cưỡng chế, buộc di dời. “Đằng này mọi việc im im, rồi nhà đầu tư tự động đóng nước lòng hồ. Cái chén, đôi đũa chúng tôi cũng không mang đi kịp” - ông Bửu nói.
Tranh chấp
Ông Bửu cho biết ông và gia đình lên đây hơn 30 năm trước. Ông có một ao cá 631m2, khi đền bù chính quyền huyện Nam Trà My áp giá 1.500-2.000 đồng/m2. “Kỳ kèo mãi họ cho lên 2.000 đồng/m2, 3m2 đất không mua được mớ rau muống. Họ mặc cả việc đền bù như trả giá ngoài chợ” - ông Bửu than.
Cũng tình cảnh như ông Bửu, ông Trác bức xúc: “Họ cộng trừ nhân chia sai. Tài sản của tôi là 350 triệu đồng tính còn 340 triệu đồng. Sai như vậy từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn không chịu sửa”. Ông Trác có hơn 5.000m2 đất canh tác, hiện tại mọi thứ đã bị chìm trong lòng hồ. Theo ông Trác, nhiều người dân ở đây bất bình vì việc đo đạc áp giá đền bù từ năm 2005 nhưng đến năm 2009 mới giải ngân, mọi thứ đã trượt giá.
Ông Lê Ngọc Kích - phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết sự việc nhùng nhằng kéo dài đến nay là do người dân đòi hỏi phải đền bù theo giá đất của nghị định 69/CP của Chính phủ với giá cao gấp ba lần. UBND tỉnh Quảng Nam đã chốt việc đền bù vào tháng 5-2009 nhưng ngày 1/10/2009 nghị định này mới có hiệu lực nên không thay đổi được.
Khi hỏi tại sao không cưỡng chế mà để người dân chìm trong hồ lúc đêm tối, ông Kích khẳng định việc cưỡng chế thuộc thẩm quyền của tỉnh. “Tỉnh giao cho Ban quản lý dự án thủy điện 3 làm chủ đầu tư, họ tự đo đạc, áp giá đền bù... nên có chuyện. Bây giờ người dân đổ hết cho huyện quả là rất oan”. Theo ông Đinh Văn Thu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Khi thực hiện cưỡng chế họ quay phim, chụp ảnh, xì lốp xe, trốn vào rừng gọi điện ra chửi bới và tấn công lực lượng công an thi hành nhiệm vụ”. Ông Thu nói đây là những người đãi vàng, đa số họ đã có nhà nơi khác.