Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân bất lực khi vùng sạt lở “ăn” sâu vào đất nhà mình - Ảnh: DANH LÊ |
Ngôi nhà khá kiên cố của ông Nguyễn Văn Thơm giờ đây phía đầu hiên chỉ còn cách mép nước 2m. “Mấy ngày nay cả nhà không ngủ được, nghe đất lở ầm ầm ở đầu hiên là chuẩn bị chạy. Với đà này chỉ một đợt lũ nữa là cả dãy nhà này đi hết” - ông Thơm than thở.
Nhà bà Trần Thị Trang thì nước sông đã “ăn” sâu vào vườn, “ăn” luôn cả giếng nước, giờ cả nhà bà phải đi gánh nước về dùng. Ngôi nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Năm và bà Nguyễn Thị Được gần đó xây trên động cát, nước cứ khoét vào lở từng mảng đất, mép sạt lở sâu hoắm giờ đã sát bên sân. “Trước đây tính từ bờ ra khoảng 50m là ruộng lúa, nhà tôi có 5 sào đất lúa ngoài bãi nay đều biến thành sông, đất thổ cư khoảng 2 sào cũng bị sông lấy mất, giờ chỉ còn mỗi ngôi nhà này mà sông cũng nhăm nhe cuốn luôn” - bà Được buồn rầu nói.
Nhiều hộ dân ở khu phố Bình Thạnh đã chặt cây trong vườn nhà bó thành từng bó, buộc dây thả xuống mép sông để cản lũ. Một số người mua cọc gỗ để đóng rồi làm bè tre bọc bên ngoài, bên trong chèn bao cát để ngăn chặn sạt lở, thế nhưng nước sông vẫn khoét sâu vào cả chục mét. Những nhà trong vùng nguy hiểm đều chuẩn bị chạy, đóng gói sẵn đồ dùng để sẵn sàng di tản đến nhà người thân. Ai không có nhà người thân gần đó thì chuẩn bị bạt làm lều trú tạm.
Cuối năm 2009, cơn lũ lịch sử đã cuốn phăng đê Bình Thạnh được xây dựng trước năm 1975. Kể từ đó sông Bình Bá đổi dòng chảy, nước đổ dồn chảy xiết qua bờ bắc gây sạt lở trầm trọng. Người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng sớm đầu tư xây dựng đê kè Bình Thạnh để ổn định cuộc sống, tuy nhiên đến nay công trình này vẫn chưa “rục rịch”.
Chiều 26/10, ông Lê Văn Trúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND thị xã Sông Cầu đã lập dự án đầu tư đê kè Bình Thạnh từ năm 2009, đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn vay của nước ngoài vì vốn đầu tư dự án này quá lớn, ngoài khả năng của địa phương. Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân các dự án vay vốn nước ngoài của Phú Yên thời điểm đó bị chậm nên dự án này chưa được chấp thuận đưa vào danh mục đầu tư năm 2010 và 2011.
Mới đây, Sở Kế hoạch - đầu tư Phú Yên đã hoàn tất các thủ tục đầu tư đê kè Bình Thạnh với dự toán ban đầu khoảng 39 tỉ đồng, đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét bố trí nguồn vốn trong năm 2012. “Nếu sạt lở kéo dài thì không chỉ bốn hộ dân mất nhà mà cả khu phố Bình Thạnh với hơn 50 hộ dân cũng sẽ bị uy hiếp. Trước mắt, chính quyền địa phương chỉ còn cách vận động người dân di dời” - ông Trúc nói thêm.