Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tiếp vụ “Dân gồng mình sống chung với khói bụi”: Điểm mặt thủ phạm

(18:27:01 PM 27/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Như Tin môi trường đã phản ánh, tình trạng các nhà máy tại khu vực phường Đông Hưng Thuận, Q.12, TPHCM đang hằng ngày xả thải thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Tiếp tục vấn đề này, Tin môi trường sẽ chuyển đến cho bạn đọc thông tin về những doanh nghiệp đang hàng ngày hành hạ cuộc sống của người dân ở đây.

>>Quận 12, TP HCM: Dân gồng mình sống chung với khói bụi Tin ảnhTin mới nhất

  >>Vụ "Dân gồng mình sống chung với khói bụi": Hé lộ thủ phạm Tin mới nhất

  

Thủ phạm gây ô nhiễm

 

Kho chứa chất thải của công ty Tân Phú Cường

 

Có thể chỉ ra hàng loạt cơ sở gây ô nhiễm trong khu vực này đã từng bị lực lượng thanh tra môi trường và Cảnh sát môi trường xử phạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Chỉ tính trong ba năm gần đây, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường  và phòng cảnh sát môi trường Công an thành phố HCM đã  liên tục tham mưu UBND thành phố xử phạt hàng chục doanh nghiệp ở khu vực này đã vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Cơ sở Phạm Văn Long (ở số 76/16 KP5, P. Đông Hưng Thuận, Q.12 chuyên kinh doanh dệt nhuộm, gia công vải) là một điển hình.

 

Theo thông tin từ phòng cảnh sát môi trường TP HCM, liên tiếp trong ba năm, cơ sở này đã bị phạt gần 400 triệu đồng vì xả khí bụi, nước thải vượt tiêu chuẩn vào môi trường. Cụ thể, năm 2009, cơ sở này bị phạt trên 81 triệu đồng, năm 2010 bị phạt trên 200 triệu đồng và đến năm 2011tiếp tục bị phạt với số tiền trên 100 triệu đồng.

 

Hay chi nhánh Công ty TNHH Công nghiệp - Thương mại Tân Phú Cường tại số 464/78 KP.4, p. Đông Hưng Thuận, Q.12 (nhuộm) liên tiếp từ năm 2009 đến nay bị phạt từ 32 – 290 triệu đồng/năm do xả nước thải ra kênh Tham Lương, khí bụi vượt tiêu chuẩn…

 

Hàng loạt các đơn vị dệt nhuộm khác trong khu vực cũng đã trở nên “lờn” với “liều thuốc” xử phạt của các cơ quan chức năng. Có thể kể ra như, cơ sở Song Thành công ty Thiên Phú Thịnh, cơ sở Nguyễn Quốc Huy, cơ sở Vinh Phượng… cũng đã từng bị xử phạt vi phạm nhiều lần.

 

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có sự thẩm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của các đơn vị đó, hoặc bị UBND quận đề nghị sở Tài nguyên và môi trường tiếp tục xử lý do các đơn vị này dây dưa, chưa chấp hành quyết định xử phạt.

 

Liệu có giải pháp?

 

Ống khói đen ngòm của nhà máy Thuận Hưng

 

Như thông tin Tin môi trường đã đề cập trong các bài báo trước, hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu vực này đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn dừng lại ở mức độ xử phạt. Cơ quan chức năng vẫn kiểm tra, xử phạt, các cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất, tiếp tục xả chất thải thẳng ra môi trường, còn người dân thì lãnh đủ. Phải chăng không có giải pháp triệt để cho vấn đề này?

 

Mới đây, chính quyền quận 12 đã gửi đơn kêu cứu đến UBND TP.HCM Theo đó, UBND quận 12 kiến nghị với thành phố về việc cưỡng chế, đình chỉ hoạt động sản xuất với các công ty, cơ sở đã bị UBND thành phố xử phạt nhưng không khắc phục tình trạng ô nhiễm dọc kênh Tham Lương, trong đó, có nhiều cơ sở có trụ sở tại khu vực này.

 

Chính quyền quận 12 cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến việc vi phạm môi trường ở đây không được giải quyết dứt điểm là do đã quá thời hạn để các công ty, xí nghiệp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quyết định đưa ra, nhưng sở Tài nguyên và môi trường, phòng cảnh sát môi trường thành phố vẫn chưa tổ chức kiểm tra việc chấp hành xử phạt, cũng như chưa đưa ra biện pháp xử lý tiếp theo.

 

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng đó là giữa các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong kiểm tra, xử phạt mà chỉ hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm.

 

Liệu rằng với những bất cập trong cung cách quản lý như vậy, đến bao giờ người dân trong khu vực mới được hưởng một cuộc sống “sạch” theo đúng nghĩa? Khi mà hiện nay, hàng ngày, công việc của họ chỉ là tìm cách trốn tránh sự ô nhiễm và đưa kiến nghị, thậm chí là thưa kiện!

Lê Ngọc Khanh