Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khó bảo tồn thú quý vì thiếu tiền

(23:06:39 PM 26/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Hà Công Tuấn nhận định như trên về công tác bảo tồn các loài thú quý hiếm và tài nguyên rừng tại Việt Nam

 * Phóng viên: Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố con tê giác một sừng cuối cùng ở rừng Cát Tiên đã chết, việc này là chính xác, thưa ông?

 

Ông Hà Công Tuấn: Đây là điều tra của WWF. Để đi đến khẳng định cuối cùng thì ngành kiểm lâm và bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam sẽ phải tiếp tục vào cuộc để làm rõ xem Cát Tiên có còn tê giác một sừng không.

 

* Trước việc tê giác một sừng có thể đã tuyệt chủng, chúng ta có tính tới việc nuôi nhốt và quản lý chặt những động vật quý hiếm còn rất ít cá thể như sao la, hổ, voi…, thưa ông?

- Mỗi loài có đặc tính khác nhau, không phải loài nào cũng nuôi nhốt được. Ngay tê giác cũng chẳng tìm được để mà nuôi nhốt.

* Vậy phương án bảo tồn nào khả thi?

- Công tác bảo tồn trên thế giới cũng không đồng tình với việc quản lý nuôi nhốt vì trái với quy luật tự nhiên. Vấn đề cơ bản và lâu dài vẫn là bảo tồn ngoài tự nhiên, chỉ trừ một số trường hợp cá biệt. Như gấu hiện đang được nuôi ở Vườn Quốc gia Tam Đảo cũng chỉ là nuôi nhân đạo chứ chưa đạt được yêu cầu nuôi bảo tồn tự nhiên.
Một con voi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu - Đồng Nai chết vào năm 2010. Ảnh: XUÂN HOÀNG

 

* Bảo tồn trong tự nhiên thì phải có sự đồng lòng và bảo vệ của người dân, nhưng với cơ chế hỗ trợ còn hạn chế và đời sống của người dân ở gần các khu bảo tồn còn nhiều khó khăn thì giải pháp này có hiệu quả ?

-  Hiện Nhà nước vẫn có các dự án bảo tồn động vật, như dự án bảo vệ voi ở Đắk Lắk, Đồng Nai và Bình Thuận nhưng do ngân sách đầu tư chưa được bao nhiêu nên kết quả vẫn còn phải chờ. Cũng vì ngân sách hết sức khó khăn nên nhiều cái muốn vẫn chẳng thể nào làm được. Vì thế phải lựa chọn việc gì làm trước, việc gì làm sau, trong khi hổ cũng muốn ưu tiên bảo tồn, voi cũng muốn ưu tiên, rồi sao la… Nghèo quá cũng khó, chẳng thể theo ý mình muốn được. 

 

* Chiến lược quản lý khu rừng đặc dụng đang được Chính phủ xây dựng có cải thiện được phần nào tình hình bi đát hiện nay, thưa ông?

- Chính phủ đang hoàn thiện thể chế chính sách bảo tồn đa dạng sinh học và chiến lược quản lý khu rừng đặc dụng Việt Nam. Dự kiến, chính sách mới sẽ  hỗ trợ cho thôn bản sống cạnh vùng rừng đặc dụng 40 triệu đồng/năm/thôn bản. Đây sẽ là cách làm để giảm áp lực đối với rừng. Hiện ngành nông nghiệp đang làm thí điểm mô hình cơ chế chia sẻ lợi ích, người dân được thu hái lâm sản (dự kiến năm  2012 ban hành). Có điều chính sách là vậy nhưng cân đối tài chính được đến đâu lại là chuyện khác.

 

Nhiều loài thú sắp tuyệt chủng

 

WWF nhận định số phận của loài tê giác một sừng bị tuyệt chủng đã đặt ra nhiều vấn đề lớn hơn, đó là nhiều loài khác cũng đang bên bờ tuyệt chủng ở Việt Nam. Cụ thể, loài hươu vàng gần như đã biến mất do mất sinh cảnh sống và bị săn bắn quá nhiều. Sao la, một loài cũng cực kỳ nguy cấp, chỉ còn lại rời rạc vài trăm cá thể. Vọc mũi hếch -  loài đặc hữu của Việt Nam do khu vực sinh cảnh bị giảm nên chỉ còn khoảng 250 cá thể ở khu vực phía Bắc. Loài cò quắm cánh cũng đã tuyệt chủng do sự mất sinh cảnh và săn bắn. Đặc biệt, cá sấu nước ngọt đã bị săn bắt đến tuyệt chủng tại Việt Nam nhưng mới được tái phục hồi ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hổ hiện ước tính còn dưới 30 cá thể. Bò tót cũng được báo cáo là suy giảm mạnh mẽ và bò banteng cũng đang trong tình trạng tương tự…

Trong 2 năm qua, đã có 19 con voi rừng và 7 con voi nhà chết. Đến năm 2010, Việt Nam chỉ còn khoảng 75 đến 130 cá thể voi. Nhiều chuyên gia về động vật hoang dã nhận định, loài voi ở Việt Nam có thể bị tuyệt chủng trong 10 năm tới. Trước đây, đa số voi đực bị giết để lấy ngà. Thời gian gần đây, cả voi cái và voi con cũng bị giết để lấy da, vòi voi, đế chân, răng, xương, thịt và lông đuôi vì nguồn lợi kinh tế.

WWF cho rằng sự suy giảm các quần thể sinh vật hoang dã ở Việt Nam càng trở nên nghiêm trọng hơn nữa do nhu cầu về sử dụng sinh vật hoang dã trong buôn bán dược phẩm ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước châu Á, cũng như buôn bán thịt thú rừng. Việt Nam cũng là nơi có lượng buôn bán động vật hoang dã lớn khu vực cũng như trên thế giới.

Đ.Huyền – K.Lan - T.Dũng

 

 

Thế Dũng (Người lao động)