Do tầm quan trọng của vấn đề an toàn đặt ra đối với các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), đặc biệt các nhà máy đầu tiên đang chuẩn bị khởi công xây dựng ở Ninh Thuận, nhiều nhân vật có trách nhiệm của hai nước Việt Nhật đã có mặt trong Hội thảo. Về phía nước chủ nhà có Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử VN Lê Đình Tiến, vị lãnh đạo Tỉnh Ninh Thuận, đại diện nhiều bộ, ban, ngành trung ương liên quan v.v... Về phía đối tác có ông Hiroshi Asahi, Trưởng ban Chính sách Năng lượng và Môi trường thuộc METI (Nhật bản), Đại sứ và Tham tán nước Nhật tại Việt Nam. Đông đảo các chuyên gia, cán bộ khoa học và quản lý đã đến tham gia hội thảo.
Hội thảo tập trung vào nội dung: Qua sự cố Fukushima, cần đảm bảo an toàn hơn nữa cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ở hội thảo có các báo cáo toàn cảnh về sự cố Fukushima, định hướng phát triển điện hạt nhân hiện nay và vấn đề nâng cao an toàn từ các bài học thu được sau sự cố Fukushima. Ngoài ra, các diễn giả đã giới thiệu về dự thảo lựa chọn địa điểm và kế hoạch xây dựng văn bản pháp quy của Việt Nam, tình hình thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đặc biệt, phía Nhật Bản có trách nhiệm chuẩn bị và trình bày công việc khảo sát đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo tính an toàn cao nhất cho phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
An ninh hạt nhân (ANHN) cũng là một lĩnh vực quan trọng nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân nói chung và nhà máy điện hạt nhân nói riêng, Vì vậy, trước đó, ngày 13/10/2011, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) tổ chức Hội thảo về vấn đề này..
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày về cơ chế hạt nhân quốc tế, Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi (BVTT) và xu hướng hiện nay về ANHN. Các chuyên gia Nhật Bản cũng giới thiệu về quá trình đưa các yêu cầu về ANHN quốc tế vào khung pháp lý của Nhật Bản và chính sách ANHN của Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay.
“Hội thảo về ANHN được tổ chức trong thời điểm này là rất hữu ích, bởi đây là giai đoạn hoàn thiện cơ sở pháp lý để đưa ĐHN vào Việt Nam năm 2020” (Lời Cục phó Cục ATBXHN Lê Chí Dũng), nên các tổ chức và cơ quan liên quan lĩnh vực này đều cử đại biểu đến dự hội thảo. Ngoài các chuyên gia của IAEA, Nhật Bản, Hoa Kỳ… có các đại diện của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Cục NLNTVN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày về cơ chế hạt nhân quốc tế, Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (BVTT) và phần sửa đổi và xu hướng hiện nay về ANHN.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng giới thiệu về quá trình đưa các yêu cầu về ANHN quốc tế vào khung pháp lý của nước mình, nỗ lực của Nhật trong việc đưa các yêu cầu của Công ước BVTT vào hệ thống quốc gia và chính sách an ninh hạt nhân của Nhật trong bối cảnh hiện nay.
Đánh giá tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của các hội thảo trên đối với Việt Nam trong giai đoạn thực hiện dự án xây dựng các nhà máy ĐHN đầu tiên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến đã nhấn mạnh: “Sau sự cố Fukushima, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó có vấn đề phát triển điện hạt nhân. Sự cố này nhắc nhở Việt Nam cần phải đặt tính an toàn lên cao nhất kể cả về công nghệ, quy trình quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân”.