Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa Lo là bởi khu công nghiệp là nơi tiếp nhận và xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu. Trung bình mỗi khu công nghiệp có đến cả trăm doanh nghiệp đang hoạt động với đủ các loại ngành nghề khác nhau. Nếu trung bình mỗi doanh nghiệp thải ra trung bình khoảng 100m³ nước thải/ngày thì sẽ có hàng ngàn mét khối nước thải không đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường hàng ngày. Hiện theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cả nước đang có khoảng 200 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động. Trên thực tế, lượng nước thải ô nhiễm xuất phát từ hoạt động công nghiệp đang giết dần giết mòn sự sống của các hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên cả nước. Số lượng người dân mắc các bệnh, nhất là bệnh nan y do tiếp xúc phải nguồn nước ô nhiễm không ngừng tăng. Người nghèo là đối tượng được xác định có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, chịu tổn thương nhiều nhất nhưng cũng là đối tượng khó có khả năng hưởng thụ dịch vụ chăm sóc y tế nhất. Suy ngẫm bởi lẽ không hiểu tại sao việc chấm dứt thực trạng gây ô nhiễm của các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn? Nhìn lại Luật Bảo vệ môi trường có thể thấy, cho đến nay, hình thức xử phạt đã được cải thiện theo hướng mạnh hơn. Cụ thể, hành vi vi phạm cũng bị phạt tiền cao hơn. Chủ đầu tư vi phạm nếu thuộc diện cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa doanh nghiệp, còn chủ đầu tư sẽ bị truy tố hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ khu công nghiệp, khu chế xuất nào bị buộc ngưng hoạt động. Chưa chủ đầu tư nào phải lãnh án tù vì vi phạm môi trường. Hình thức phạt nặng nhất cũng chỉ là phạt tiền. Mà nếu xét về khía cạnh phạt tiền thì phần lợi thuộc về đối tượng vi phạm. Lợi là nếu có vi phạm thì họ cũng bị phạt như một doanh nghiệp đơn lập. Lợi là vì số tiền mà họ thu từ các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong khu với tên gọi “chi phí chuyển giao và xử lý nước thải” nhiều hơn rất nhiều lần số tiền mà họ phải nộp phạt. Không thực hiện buộc tạm ngưng hoạt động, không thực hiện khởi tố chủ đầu tư vi phạm môi trường, các cơ quan chức năng gián tiếp khiến chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp bị lờn thuốc. Họ liên tục vi phạm mà không phải băn khoăn về việc mình sẽ bị xử lý như thế nào. Kết quả là người dân lãnh đủ. Người dân bị đầu độc môi trường sống, bị đầu độc về sức khỏe. Và khi phát hiện ra bệnh thì chuyện đã rồi. Bản thân họ không thể khiếu kiện vì đầu độc bằng ô nhiễm môi trường diễn ra từ từ. Người bị bệnh không thể truy lại nguồn gốc chất thải mà mình bị nhiễm phải là của đơn vị nào. Kết quả là họ chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng cho số phận không may mắn của mình. Phải chăng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải tính lại biện pháp quản lý và xử lý của mình. Về phía Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải gác cửa ngay từ đầu, không cho phép các khu công nghiệp được thành lập nếu không đảm bảo yếu tố môi trường. Các cơ quan có chức năng thanh tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường cần mạnh tay hơn, triệt để hơn trong việc xử lý chủ đầu tư khu chế xuất, khu công nghiệp để bảo vệ tốt hơn môi trường sống cho người dân.